Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV

Gửi bởi: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH   

Kỳ họp: Quốc hội Khóa XIV   

Trả lời:

1. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng tour du lịch không đồng cho khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Cử tri cho rằng, mô hình kinh doanh trên không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Cử tri kiến nghị tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý trong hoạt động du lịch, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên (Câu số 1).

Trả lời: Tại công văn số 3438/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Tour giá rẻ hay còn gọi là tour “0 đồng” là loại tour du lịch trong đó có giá cạnh tranh thấp để thu hút khách. Tour du lịch loại này có cơ cấu chi phí gồm 2 phần chính:

- Chi cố định cho tour du lịch bao gồm: Vé máy bay, ăn uống, lưu trú, đi lại, hướng dẫn viên...

- Chi khác ngoài tour chủ yếu gồm: Mua sắm…

Gần đây tour du lịch loại này xuất hiện nhiều ở các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… và gắn với thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Về mặt tích cực: Khách du lịch theo tour giá rẻ đều phải chi cho các dịch vụ cơ bản: ăn, ở, ngủ, nghỉ, tham quan, qua đó mang lại thu nhập, việc làm cho các cơ sở dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Về mặt tiêu cực: Do cạnh tranh hạ giá tour quá mức nên các công ty lữ hành tập trung vào tăng thu từ mua sắm; có hiện tượng các hãng lữ hành câu kết với hướng dẫn viên và hệ thống cửa hàng mua sắm chuyên biệt (chỉ bán cho khách đi tour này, không bán cho khách khác với giá cao, không kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa…) điều này dẫn tới việc khách bị cắt giảm chương trình, bị ép mua hàng giá cao gấp nhiều lần, có dấu hiệu bị lừa đảo, làm méo mó hình ảnh của điểm đến du lịch và nhà nước không thu được thuế...

Để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động du lịch, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành chui, kiểm soát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường kiểm soát đối với hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm  chuyên phục vụ khách du lịch đi tour loại này (siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ; trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài…)

- Chỉ đạo UBND các tỉnh/thành nâng cao trách nhiệm quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong viêc kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thuyết minh tại điểm đến để giảm tải việc thiếu hụt hướng dẫn viên tại các điểm đến.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn.

 

2, 3. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: 1. Đề nghị sớm ban hành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách đầu tư, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, như quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ thù lao cho Ban chủ nhiệm, cộng tác viên,… để thực hiện có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở (câu số 2).

2. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, cấp kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo nguồn lực đầu tư, chống xuống cấp, tôn tạo các di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia (câu số 3).

Trả lời: Tại công văn số 3440/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về kiến nghị chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách đầu tư, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đối tượng là cấp xã, thôn.

Ngày 11/11/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2564/BVHTTDL-VHCS hướng dẫn thực hiện Quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 03/8/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn”, trong đó có đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố các chế độ thù lao cho người quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn.

Về thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và Thông tư số 14/2016/TT-BVHTTDL ngày 21/12/2016 quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường, thị trấn.

Về thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn.

2. Về kiến nghị cấp kinh phí chống xuống cấp, tôn tạo các di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia

Ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; ngày 26/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 trong đó có Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ, ngày 12/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3618/BVHTTDL-KHTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị xây dựng kế hoạch 2016-2020 Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa.

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2016-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ để tu bổ tôn tạo một số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với số kinh phí là 2,1 tỷ đồng, cụ thể:

Năm 2016: Đình An Vĩnh (500 triệu đồng), Khu chứng tích Sơn Mỹ (           100 triệu đồng), Khu Lưu niệm đồng chí Phạm Văn Đồng (200 triệu đồng). Năm 2017: Đình Lý Hải/An Hải (600 triệu đồng), Trụ sở UBHCKC Nam Trung Bộ (200 triệu đồng). Năm 2018: Đình An Vĩnh (400 triệu đồng), Đình Lý Hải/An Hải (200 triệu đồng).

Trong các năm tiếp theo (2019-2020), thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trên cơ sở đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí sự nghiệp để tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia đang bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cần nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích bằng ngân sách của địa phương và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích.

 

4. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị liên ngành Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực và Thông tư hướng dẫn thực hiện. Vì hiện nay (đến quý II/2018) nhưng một số Bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và xác định cơ chế tự chủ của các ngành nên ở địa phương lung túng trong trong việc triển khai thực hiện (Câu số 4).

Trả lời: Tại công văn số 3441/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai từ năm 2015 ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua 6 lần dự thảo và trình Chính phủ lần thứ 6 vào tháng 3/2018 (Tờ trình số 62/TTr-BVHTTDL ngày 23/3/2018), dự thảo Nghị định vẫn còn ý kiến khác nhau.  Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

 

5. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị xem xét ban hành cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể: Quan tâm đầu tư tôn tạo các Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, nhất là các Di tích lịch sử văn hóa cách mạng; hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, trạm truyền thanh cơ sở đạt tiêu chí nông thôn mới và đầu tư hạ tầng giao thông, môi trường, xây dựng đô thị văn minh (Câu số 5).

Trả lời: Tại công văn số 3432/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Để tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn tôn tạo di tích và dự án tăng cường hệ thống thiết chế văn hóa, ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; ngày 26/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phê quyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết của Chính phủ, ngày 12/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3618/BVHTTDL-KHTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị xây dựng kế hoạch 2016-2020 về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ để tu bổ tôn tạo số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với số kinh phí là: 800 triệu đồng, cụ thể: Đền Voi Mẹp (400 triệu đồng) và Đền Cả (400 triệu đồng).

Đối với việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở như Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, bản được đầu tư kinh phí thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

 

6. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Đề nghị quan tâm bố trí kinh phí đầu tư tôn tạo bảo tồn Khu di tích quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (Câu số 6).

Trả lời: Tại công văn số 3434/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cần chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của di tích, lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ.

Ngày 25/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2751/BVHTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của 02 di tích, lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, để lập quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn và lập dự án tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử Chi Lăng, để bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định.

Về kinh phí đầu tư tôn tạo: Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ cho việc tu bổ, tôn tạo Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn 6,840 tỷ đồng (năm: 2011: 02 tỷ; năm 2012: 03 tỷ; năm 2013: 1,840 tỷ). Với số kinh phí đã được hỗ trợ nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, báo cáo kết quả thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương và nguồn kinh phí bố trí cho chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, tổng hợp bố trí kinh phí thực hiện tu bổ tôn tạo đối với các di tích trên. Đồng thời, địa phương cần chủ động bố trí kinh phí và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

 

7. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời chấn chỉnh việc các ca sĩ, diễn viên sử dụng trang phục không phù hợp với thần phong mỹ tục trong các chương trình biểu diễn, kể cả phát trên chương trình truyền hình gây phản cảm cho người xem (Câu số 7).

Trả lời: Tại công văn số 3437/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Theo quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật và các chương trình do cơ quan phát thanh, truyền hình liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang khác để dàn dựng, tổ chức chương trình biểu diễn trực tiếp trước công chúng, khán giả hoặc phát hành vé cho khán giả xem trực tiếp chương trình biểu diễn. Qua theo dõi, các chương trình được cấp phép, quản lý cơ bản thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đối với các chương trình ghi hình, phát sóng, cơ quan phát thanh, truyền hình phải chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, đảm bảo phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam và đúng quy định pháp luật.

Với trách nhiệm được Chính phủ giao quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương và gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên truyền hình đảm bảo phù hợp đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, nghiêm cấm trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng trang phục biểu diễn phản cảm, không phù hợp với giá trị đạo đức, thuần phong, mỹ tục dân tộc và các quy định của pháp luật. Thực hiện quản lý đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật và các chương trình do cơ quan phát thanh, truyền hình liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang khác để dàn dựng, tổ chức chương trình biểu diễn trực tiếp trước công chúng, khán giả hoặc phát hành vé cho khán giả xem trực tiếp chương trình biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thường xuyên theo dõi, kịp thời chấn chỉnh các đối tượng biểu diễn, tổ chức biểu diễn tránh để xảy ra tình trạng vi phạm như: Tổ chức họp, chấn chỉnh hoạt động tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của Công ty Quảng cáo-Tư vấn-Tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa, Công ty Cổ phần Xúc tiến Đông Tây...; mời các cá nhân có hành vi sử dụng trang phục phản cảm khi tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật để nhắc nhở và thực hiện cam kết sử dụng trang phục hoặc hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Qua công tác chấn chỉnh, từ năm 2017 trở lại đây, các trường hợp nêu trên đã có ý thức chấp hành quy định pháp luật và cam kết với cơ quan quản lý.

Để tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có các chính sách về tăng cường kiểm soát hoạt động nghệ thuật biểu diễn trực tiếp hoặc trên truyền hình và môi trường mạng internet đến công chúng. Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua.

 

8. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/8/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa theo hướng không quy định chung một mức chi hỗ trợ Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, mà nên phân loại chi hỗ trợ các mức khác nhau theo thôn, tổ dân phố loại 1, loại 2 và loại 3 sẽ đảm bảo công bằng và hợp lý hơn (Câu số 8).

Trả lời: Tại công văn số 3436/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2017/TT-BTC quy định quản lý sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó tại Điều 7. Hiệu lực thi hành có nêu: Kể từ ngày 01/01/2018, các nội dung chi và mức chi cho hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2014/BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 về hướng dẫn quản lý kinh phí hoạt động trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được lồng ghép trong kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đề nghị tỉnh Nghệ An nghiên cứu Thông tư số 121/2017/TT-BTC quy định quản lý sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để thực hiện.

 

9. Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị tăng cường và xây dựng chiến dịch quảng bá truyền thông rộng rãi về du lịch Việt Nam, việc tuyên truyền quảng bá du lịch Việt Nam là rất cần thiết; dừng việc khai thác các khu vực tự nhiên để phát triển du lịch công nghiệp, tăng cường phát triển du lịch sinh thái, về điều kiện địa lý tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái đến mức cao hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn và cũng góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên của đất nước (Câu số 9).

Trả lời: Tại công văn số 3443/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Nhiều năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá cao, đang dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 51,6 lần (từ 0,25 triệu năm 1990 lên 12,9 triệu năm 2017). Năm 2000, tổng thu từ khách du lịch đạt 17.400 tỷ đồng, năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 510.000 tỷ đồng. Sau 17 năm, tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 29 lần. Có thể nói, đạt được kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

 Nhiều chủ trương chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ du lịch phát triển cũng như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch năm 2017, chính sách miễn visa và visa điện tử...; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 với tiêu đề, biểu tượng: “Việt Nam-Timeless Charm”; Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch; Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam...

Quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện: Mở rộng quy mô tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như Travex, ITB Đức, MITT Nga, WTM Anh và 02 Hội chợ trong nước là VITM và ITE HCMC; tổ chức đón các đoàn Famtrip, press trip từ nước ngoài vào Việt Nam khảo sát cũng như việc tổ chức các Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường E-marketing và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước cũng như việc xúc tiến thông qua các sự kiện và Năm Du lịch quốc gia, qua các sự kiện chính trị, văn hoá và thể thao như APEC, IPU, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Festival Huế... cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng trưởng lượng khách nội địa và quốc tế đến Việt Nam. Với các nỗ lực đó, nhiều điểm du lịch của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng và khẳng định được thương hiệu đối với khách du lịch quốc tế như Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Mũi Né... góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.

Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 thì không có loại hình “Du lịch công nghiệp”, mặt khác tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ: Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự xã hội.

Du lịch sinh thái là một trong 05 dòng sản phẩm chính được xác định trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm sinh thái, chú trọng khám phá sinh học, hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

 

10. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với thành phố Hải Phòng thực hiện rà soát tổng thể các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn; sớm quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí trùng tu các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch đến thăm quan, đồng thời tạo điều kiện duy tu, sửa chữa và bảo tồn di tích một cách tốt nhất (Câu số 10).

Trả lời: Tại công văn số 3433/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Qua kiểm tra, rà soát, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 113 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia (trong đó có 62 di tích lịch sử, 49 di tích kiến trúc nghệ thuật, 01 di tích khảo cổ, 01 danh lam thắng cảnh), 367 di tích đã xếp hạng cấp thành phố.

Về kinh phí trùng tu các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng: Thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trên cơ sở đề xuất của địa phương và nguồn kinh phí bố trí cho chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, tổng hợp, bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương thực hiện tu bổ tôn tạo các di tích cấp quốc gia. Đồng thời, địa phương cần chủ động bố trí kinh phí và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

 

12. Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị: Di tích lịch sử Côn Đảo là chứng tích lịch sử cần được tôn trọng, bảo vệ; tuy nhiên hiện nay hầu hết đã xuống cấp. Kiến nghị có biện pháp trùng tu, tôn tạo lại các di tích tại huyện Côn Đảo (Câu số 12).

Trả lời: Tại công văn số 3428/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về quy hoạch

Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu từ năm 2001 (Quyết định số 200/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001).

Ngày 02/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2163/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch, trong đó đã xác định 04 nhóm dự án thành phần với 19 dự án tu bổ di tích gốc, các dự án tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang kiến trúc, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong khu vực di tích lịch sử Côn Đảo. Các dự án này đã, đang và sẽ được triển khai thực hiện theo phân kỳ đầu tư cụ thể (thứ tự ưu tiên từ chống xuống cấp, tu bổ đến tôn tạo) bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, các nguồn huy động hợp pháp khác).

2. Về hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2010-2015, Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã được hỗ trợ 6,4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, các hạng mục: Nghĩa trang Hàng Dương, Chuồng Bò, Trại 3, Trại 6, Sở củi...

Trong giai đoạn 2016-2020: Ngày 03/10/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4175/BVHTTDL-DSVH gửi Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích Sở Lò vôi, Cầu tàu 914 và Cầu Ma Thiên Lãnh; ngày 11/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2533/BVHTTDL-DSVH đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tu sửa cấp thiết một số hạng mục tại Trại 1, 2, 3, 4 và bổ sung dự án tu bổ Trại giam, Sở tù, Cầu vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung di tích Nhà tù Côn Đảo vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích.

 

13, 14, 15, 26. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: 1. Đề nghị ưu tiên cấp ngân sách và hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc quy hoạch du lịch; các chương trình mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng; các chương trình xúc tiến quảng bá; công tác đào tạo nguồn nhân lực,… từng bước giúp Cao Bằng đẩy mạnh hoạt động du lịch theo hướng bền vững (Câu số 13).

2. Đề nghị tiếp tục đầu tư, xây dựng các Khu, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950, huyện Thạch An, Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén…(Câu số 14).

3. Đề nghị xây dựng cơ chế chính sách riêng, đặc thù trong phát triển du lịch, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù khai thác du lịch thác Bản Giốc trong khuôn khổ thực thi Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai tác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, Việt Nam - Đức Thiên, Trung Quốc (Câu số 15).

4. Cử tri đề nghị các Bộ quản lý nhà nước về chuyên ngành cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc lĩnh vực: ngành Văn hóa, Lao động, Tài nguyên, Nông nghiệp,… (Câu số 26).

Trả lời: Tại công văn số 3431/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về kiến nghị ưu tiên cấp ngân sách và hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc quy hoạch du lịch

Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang triển khai các nội dung của Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Trong đó, có nhiều nội dung triển khai sẽ hỗ trợ cho phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng. Trong các hoạt động hàng năm thuộc Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, đã tổ chức nhiều hoạt động về xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn doanh nghiệp khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch để hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng. Trong năm 2018 đã tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về hướng dẫn viên cho tỉnh Cao Bằng; hỗ trợ Cao Bằng tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển du lịch. Qua đó, đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng từng bước đẩy mạnh hoạt động du lịch theo hướng bền vững và trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến, đào tạo nhân lực sau khi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, đi vào hoạt động.

2. Về kiến nghị tiếp tục đầu tư, xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật thì các khu du lịch quốc gia được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Nhiều khu du lịch quốc gia tại các tỉnh/thành đã chủ động lập quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã có những khu du lịch được Thủ tướng quyết định công nhận đủ điều kiện là Khu du lịch quốc gia. Hiện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển du lịch trong thời kỳ mới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018. Sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị tỉnh Cao Bằng khẩn trương chỉ đạo thực hiện lập quy hoạch các khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia để có căn cứ thu hút đầu tư phát triển. Các khu du lịch cấp tỉnh sẽ do UBND cấp tỉnh chỉ đạo triển khai quy hoạch, đầu tư và công nhận.

3. Về kiến nghị xây dựng cơ chế chính sách riêng, đặc thù trong phát triển du lịch, đặc biệt là khai thác du lịch thác Bản Giốc

Ngày 14/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1806/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện “Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)”, trong đó phân công nhiệm vụ cho UBND tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc triển khai Hiệp định (hay còn gọi là “Khu cảnh quan thác Bản Giốc” do Chính phủ hai nước thành lập theo Hiệp định năm 2015, có diện tích 176ha); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một trong các Bộ liên quan phối hợp với tỉnh Cao Bằng xây dựng Đề án này.

Ngày 13/02/2018, Văn phòng Chính phủ thông báo danh mục các Đề án bổ sung vào Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, trong đó có “Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc triển khai Hiệp định”. Thông báo của Văn phòng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các văn bản thông báo đầu mối của Bộ (Tổng cục Du lịch, Vụ Kế hoạch, Tài chính) là đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng trong xây dựng Đề án trên (Quyết định số 33/QĐ-BVHTTDL ngày 05/3/2018; Công văn số 42/BVHTTDL-TCDL ngày 19/3/2018). Ngày 10/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghe các đơn vị của Bộ báo cáo tình hình xây dựng Đề án này và chỉ đạo phương pháp, phạm vi, nội dung của Đề án.

Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Cao Bằng có Công văn số 1115/UBND-NC xin lùi thời hạn gửi nội dung dự thảo Đề án sau ngày 10/5/2018.

Ngày 07/5/2018, tại Công văn số 1869/BVHTTDL-TCDL, Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng làm việc với Tổng cục Du lịch và Vụ Kế hoạch, Tài chính về 02 nội dung: Dự thảo Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và xây dựng dự án phát triển du lịch thác Bản Giốc đưa vào Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020 (ban hành theo Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Đến nay UBND tỉnh Cao Bằng chưa bố trí làm việc theo đề nghị của Bộ và chưa gửi dự thảo Đề án cơ chế chính sách đặc thù về Bộ. Do đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa đủ căn cứ và cơ sở để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng cơ chế chính sách riêng, đặc thù trong phát triển du lịch, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù khai thác du lịch thác Bản Giốc.

4. Về kiến nghị ban hành Thông tư hướng dẫn về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức, nội dung thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch (Dự kiến ban hành vào Quý I/2019).

 

11, 16, 25. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: 1. Đề nghị có những giải pháp mang tính chiến lược để đầu tư phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; khắc phục tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, trùng lắp làm hạn chế tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương (Câu số 11).

2. Đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và có giải pháp khắc phục tình trạng mất an ninh trật tự, bạo lực, “thương mại hóa” hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh (Câu số 16).

3. Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về chế độ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao phù hợp với tình hình hiện nay vì công sức, thành tích đóng góp của họ đối với ngành thể thao nước nhà (Câu số 25).

Trả lời: Tại công văn số 3430/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về giải pháp mang tính chiến lược để đầu tư phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định mục tiêu phát triển du lịch để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngày 06/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103-NQ/CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp về tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch. Xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch. Khuyến khích đầu tư, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tại Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm cả việc giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 15 đề án, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có những đề án mang tính tổng thể để huy động nguồn lực tổng hợp của các ngành, các cấp và toàn xã hội như: Đề án cơ cấu lại ngành du lịch; đề án phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; đề án nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch...

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, qua đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch, cụ thể:

- Rà soát các quy định của pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các quy định không hợp lý, không còn phù hợp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh, tăng mức độ an toàn và giảm chi phí kinh doanh.

- Xem xét tiến độ đầu tư phát triển các trung tâm, công trình hạ tầng du lịch hiện có; xác định những khó khăn, vướng mắc; trực tiếp hỗ trợ giải quyết, đồng thời khuyến khích đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng.

- Nghiên cứu thuê tư vấn (có thể tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài) xây dựng quy hoạch sử dụng các tài nguyên du lịch (thiên nhiên và văn hóa); xây dựng các trung tâm, điểm du lịch; thực hiện đấu thầu xây dựng, sử dụng và phát triển tài nguyên du lịch theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)...

- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển hạ tầng du lịch.

- Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm và khu vực động lực phát triển du lịch, trước mắt là tại các khu vực có định hướng phát triển trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.

2. Về kiến nghị đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh

Trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có sự chuyển biến so với các mùa lễ hội trước, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội được phát huy, các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống ngày càng hấp dẫn đối với nhân dân và du khách. Có được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức lễ hội phù hợp, hiệu quả, hạn chế những những vấn đề tồn tại trong mùa lễ hội trước. 

Tuy nhiên, tại một số lễ hội vẫn còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy, bạo lực, thương mại hóa. Để tăng cường công tác quản lý lễ hội trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thống nhất, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phân loại, phân cấp và giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội cho các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp; quy định rõ trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội...

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội, có những quy định về trường hợp phải tạm ngừng tổ chức lễ hội như: Lợi dụng việc tổ chức lễ hội để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức lễ hội sai lệch nội dung giá trị di sản văn hóa của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, cháy nổ, làm chết người...

3. Về kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về chế độ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao phù hợp với tình hình hiện nay

a) Về chế độ tiền công, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao:

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu để thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định trên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc điều chỉnh thẩm quyền ban hành văn bản (Công văn số 9224/VPCP-KGVX ngày 30/8/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh thể thức văn bản thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 1353/VPCP-KGVX ngày 06/02/2018 về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định; căn cứ nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2018 (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018), theo đó: “Đồng ý về nguyên tắc nâng mức tiền công cho huấn luyện viên, vận động viên; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở đảm bảo phù hợp với nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao và điều chỉnh mức tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định dựa trên căn cứ mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/7/2018. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Về chế độ dinh dưỡng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao:

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư để thay thế Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ngày 21/5/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5847/BTC-HCSN gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương để hoàn thiện dự thảo Thông tư.

 

17. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri đề nghị có chính sách bảo tồn văn hóa của dân tộc Phù Lá và một số dân tộc ít người khác (Câu số 17).

Trả lời: Tại công văn số 3435/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Phù Lá nói riêng của các dân tộc thiểu số nói chung, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số theo hình thức tổng thể, toàn diện.

Tuy nhiên, do kinh phí chưa được bố trí nguồn riêng để triển khai các nội dung của Đề án, nên đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lồng ghép thực hiện các nội dung này với nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm của Bộ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án và có kiến nghị với Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí riêng để triển khai thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa nội dung này vào Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa chính sách bảo tồn văn hóa của dân tộc Phù Lá nói riêng, của các dân tộc thiểu số nói chung trong thời gian tới.

 

18. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, những năm qua Phú Thọ đã triển khai đồng bộ công tác thi hành Luật tại các cấp, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình... Để thực hiện công tác thi hành Luật bên cạnh các nguồn lực khác, kinh phí đóng vai tròng quan trọng trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp tỉnh và huyện còn rất hạn chế, cấp xã chưa được bố trí kinh phí. Nhằm giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng khu dân cư, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại các địa bàn, đề nghị thống nhất cơ chế, chính sách, quy định chung nguồn kinh phí chi hàng năm cho sự nghiệp gia đình; xem xét nâng mức hỗ trợ cho các địa phương (Câu số 18).

Trả lời: Tại công văn số 3439/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3 Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước thì kinh phí đầu tư cho sự nghiệp gia đình (ký hiệu khoản 141) thuộc loại y tế, dân số, gia đình (ký hiệu loại 130) bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên. Phòng, chống bạo lực gia đình nằm trong nhiệm vụ của công tác gia đình. Vì vậy, kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí trong kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Ngoài quy định nêu trên, một số nội dung chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập và Hướng dẫn số 355/BTC-HCSN ngày 10/01/2017 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.

Hiện nay, kinh phí đầu tư cho sự nghiệp gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Không chỉ tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn trong xây dựng dự toán và bảo vệ kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp khó khăn tương tự.

Để có số liệu cụ thể về tình hình đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình (trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1236/QĐ-BVHTTDL ngày 10/4/2018 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Công văn số 2070/BVHTTDL-GĐ ngày 16/5/2018 hướng dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gửi Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp tình hình đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình trên toàn quốc từ năm 2008 đến nay. Kết quả rà soát là cơ sở để hai Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục có giải pháp đầu tư kinh phí cho sự nghiệp gia đình trên toàn quốc, đảm bảo kinh phí để triển khai nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trên tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ và sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến Bộ Tài chính tiếp nhận giải quyết.

 

19. Cử tri Bắc Giang đề nghị: sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt các hành vi bạo lực trong gia đình (Câu số 19).

Trả lời: Tại công văn số 3426/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Ngày 10/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết 10 năm thi hành Luật.

Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đánh giá toàn diện, khách quan tính thực thi của pháp luật, cũng như thực hiện rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp. Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn.

 

20, 21, 22, 23, 24, 27. Cử tri tỉnh Cà Mau kiến nghị: 1. Trong thực tế, nhiều trường hợp người bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) mà không có khả năng nộp phạt thì cha, mẹ, vợ, chồng… của người vi phạm là người nộp phạt thay cho người vi phạm và sau đó người gây ra bạo lực vẫn không nhận ra sai phạm của mình. Cử tri kiến nghị nên quy định đưa người vi phạm ra kiểm điểm phê bình trước cuộc họp của khu dân cư; đưa đi lao động phúc lợi xã hội và có nơi cải tạo tập trung để người vi phạm lao động, có thời gian giáo dục người vi phạm nhận thức được sai phạm, sửa chữa, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung (Câu số 20).

2. Cử tri đề nghị nâng mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ (Câu số 21).   

3. Cử tri kiến nghị xem xét, quy định Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thay cho quy định đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình. Thực tế cho thấy, cán bộ nữ lại rất thuận lợi trong công tác vận động, tuyên truyền, là nơi để người vợ tạm lánh, bộc bạch… khi có vụ việc bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra thì thường người vi phạm trong lĩnh vực PCBLGĐ là người chồng nên Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là nam thì rất khó vận động, tuyên truyền và có đôi lúc còn làm cho tình hình căng thẳng (Câu số 22).

4. Công tác PCBLGĐ không chỉ thực hiện phương thức vận động, tuyên truyền là đủ, mà cần phải thực hiện nhiều biện pháp xử lý can thiệp khi có hành vi vi phạm. Do vậy việc quy định ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý Nhà nước công tác này là chưa phù hợp, chưa mang lại hiệu quả. Cử tri kiến nghị xem xét quy định ngành phụ trách, chỉ đạo công tác PCBLGĐ cho phù hợp (Câu số 23).

5. Cử tri phản ánh những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện quy định trong lĩnh vực PCBLGĐ tại một số văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định, cụ thể như sau:

- Tại khoản 2, Điều 1 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể xác, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”, với cụm từ “có khả năng” chưa phù hợp cho việc xác định hành vi để thống kê xử lý (theo Thông tư số 23/2011/TT-BVHTTDL có tới 48 chỉ số phải thu thập, trong đó có những chỉ số khá phức tạp, khó thu thập: Hành vi bạo lực tình dục; bạo lực tinh thần; loại hình gia đình,…). Đây là một trong những vấn đề không thể xác định hành vi của người gây ra bạo lực.

- Theo điểm a, Điều 20 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định: Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cấm tiếp xúc trong trường hợp “Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình”. Nhưng trên thực tế nạn nhân hầu hết là vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ,… của người vi phạm, nên rất khó có được đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ. Đây là một trong những quy định mà thực tế UBND cấp xã khó áp dụng thực hiện. Cử tri đề nghị điều chỉnh nội dung này theo hướng: Khi nạn nhân BLGĐ yêu cầu và có biên bản của chính quyền địa phương thì đủ điều kiện cách ly người gây bạo lực.

- Cử tri đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính về hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình vào quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, để quá trình triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao (Câu số 24).

6. Cử tri phản ánh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định từ Điều 36 đến Điều 41 về trách nhiệm của một số bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên đến năm 2016, sau 09 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới ban hành Quy chế phối hợp liên ngành (Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình). Vì vậy việc thực hiện cơ chế phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành trong công tác tuyên truyền, phát hiện, thống kế, báo cáo đến xử lý hành vi vi phạm, hỗ trợ nạn nhân trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác PCBLGĐ. Cử tri đề nghị cho biết nguyên nhân vì ban hành quy chế chậm? (Câu số 27).

Trả lời: Tại công văn số 3429/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về kiến nghị nên quy định đưa người vi phạm ra kiểm điểm phê bình trước cuộc họp của khu dân cư; đưa đi lao động phúc lợi xã hội...

Hầu hết nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau đã được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản có liên quan. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cần báo cáo các cấp có thẩm quyền của tỉnh những vấn đề cử tri phản ánh, để có giải pháp hỗ trợ trong thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.

Về kiến nghị đưa người gây bạo lực gia đình đi lao động công ích, nội dung kiến nghị này vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận kiến nghị của cử tri để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Về kiến nghị nâng mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình

Việc xử phạt người có hành vi bạo lực gia đình cũng như những vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những giải pháp về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tăng nặng hay giảm nhẹ hình thức xử phạt cần được xem xét toàn diện cả phương diện pháp lý và thực tiễn nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi trong áp dụng biện pháp xử phạt.

Ngày 10/4/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết 10 năm thi hành Luật.

Việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đánh giá toàn diện, khách quan tính thực thi của pháp luật, cũng như thực hiện rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp.

3. Về kiến nghị xem xét, quy định Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thay cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân

Căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; sau khi thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1316/BVHTTDL-GĐ ngày 15/4/2013 hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình nhằm giải quyết những vấn đề về gia đình nói chung, phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã gồm Trưởng ban là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp; thành viên gồm các cơ quan có liên quan, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ là Phó Trưởng ban chỉ đạo. Mỗi thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó Trưởng ban đóng vai trò điều hành các hoạt động của Ban Chỉ đạo. Mặt khác, khi xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực có thể tìm đến thành viên của Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ để “bộc bạch tâm sự” như kiến nghị của cử tri. Vì vậy, việc quy định Trưởng Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân trong điều kiện hiện nay là phù hợp.

4. Về kiến nghị xem xét quy định ngành phụ trách, chỉ đạo công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp

Công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng là nhiệm vụ có tính liên ngành, không phải do một cơ quan, tổ chức nào có thể tự đảm nhiệm tốt vai trò nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan khác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng cần kiện toàn bộ máy tổ chức cho lĩnh vực gia đình theo hướng trao quyền nhiều hơn cho bộ máy này để tạo sự năng động, chủ động trong triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Mặt khác, để tăng cường tính phối hợp trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, các tỉnh/thành đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình theo quy định của pháp luật. Việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình (độc lập hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo có liên quan) là giải pháp tốt hiện nay trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực, phối hợp, quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Về những bất cập, khó khăn trong thực hiện và kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu phản ánh của cử tri và sẽ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, nhằm nâng cao tính thực thi của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và sẽ có kiến nghị bổ sung sửa đổi cho phù hợp.

6. Về kiến nghị cho biết nguyên nhân ban hành chậm Quy chế phối hợp liên ngành

Việc phối hợp triển khai, tham gia quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (từ Điều 33 đến Điều 41). Căn cứ vào nhiệm vụ các cơ quan liên quan đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không quy định hay giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Trên thực tế, việc xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình là một giải pháp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật, nhằm nâng cao tính phối hợp giữa các cơ quan không chỉ với Ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà còn giữa các cơ quan có liên quan với nhau. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế này (Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016).

 

25. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định về chế độ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao phù hợp với tình hình hiện nay vì công sức, thành tích đóng góp của họ đối với ngành thể thao nước nhà (Câu số 25).

Trả lời: Tại công văn số 3442/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

1. Về chế độ tiền công, tiền thưởng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu để thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định trên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc điều chỉnh thẩm quyền ban hành văn bản (Công văn số 9224/VPCP-KGVX ngày 30/8/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh thể thức văn bản thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 1353/VPCP-KGVX ngày 06/02/2018 về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định; căn cứ nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2018 (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018), theo đó: “Đồng ý về nguyên tắc nâng mức tiền công cho huấn luyện viên, vận động viên; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở đảm bảo phù hợp với nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao và điều chỉnh mức tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định dựa trên căn cứ mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/7/2018. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Về chế độ dinh dưỡng của vận động viên, huấn luyện viên thể thao

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư để thay thế Thông tư liên tịch số 149/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Ngày 21/5/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5847/BTC-HCSN gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương để hoàn thiện dự thảo Thông tư.

 

28. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Nước ta đang tập trung cho phát triển du lịch, nhiều công ty phục vụ cho ngành du lịch phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước cho nhân dân và cho du khách quốc tế; tuy nhiên tình trạng hướng dẫn viên tùy tiện chưa đạt chuẩn, phát ngôn sai về lịch sử Việt Nam, về các di tích, danh thắng. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc hướng dẫn khách du lịch, nhất là những hướng dẫn viên cho khách nước ngoài của các công ty lữ hành; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, tránh tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui” tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử, đất nước Việt Nam (Câu số 28).

Trả lời: Tại công văn số 3427/BVHTTDL-VP ngày 02/8/2018

Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, tập trung tại một số điểm đến, vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp lữ hành của địa phương sở tại, dẫn đến tình trạng bất cập trong lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch như ý kiến của cử tri đã phản ánh.

Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch trên toàn quốc, cụ thể: Công văn số 203/TCDL-LH ngày 09/3/2016 gửi Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch trái phép của người nước ngoài tại Việt Nam; Công văn số 650/TCDL-LH ngày 23/6/2016 gửi Tổng cục An ninh, Bộ Công An về phối hợp quản lý thị trường khách du lịch Trung Quốc tại Khánh Hòa; Công văn số 688/TCDL-LH ngày 29/6/2016 gửi Sở Du lịch Đà Nẵng về xác minh thông tin phản ảnh trên báo chí; Công văn số 695/TCDL-LH ngày 30/6/2016 gửi Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch; Công văn số 798/TCDL-LH ngày 01/8/2016 gửi Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành về tăng cường quản lý và khai thác các thị trường du lịch trọng điểm; Công văn số 172/TCDL-LH ngày 03/3/2018 gửi Sở Du lịch Đà Nẵng và các tỉnh/thành là địa bàn du lịch trọng điểm về quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện một số giải pháp như: Phổ biến, quán triệt Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tăng cường công tác hậu kiểm trong việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; hướng dẫn các tỉnh/thành thành lập các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có hành vi vi phạm Luật Du lịch (trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã tiến hành kiểm tra, xử lý và thu hồi 5 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tước 30 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và tước quyền sử dụng 02 thẻ và thu hồi 33 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế); tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam; phát huy vai trò của trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng trong việc giải quyết khiếu nại của khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến, đặc biệt vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp liên ngành: Ngoại giao, giao thông, thuế, an ninh...; có chính sách tạo điều kiện, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường hơn nữa công tác định hướng nghề nghiệp, thu hút học sinh, sinh viên, tình nguyện viên, những người có trình độ và tâm huyết tham gia và làm việc cho ngành du lịch. Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh/thành nâng cao trách nhiệm quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch và điểm đến du lịch trên toàn quốc.

 

1. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Hiện nay việc tổ chức lễ tang của mỗi địa phương rất khác nhau, nhiều nơi còn những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành quy định thống nhất trong cả nước về việc tổ chức tang lễ để khắc phục tình trạng trên (Câu số 1).

Trả lời: Tại công văn số 3811/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Ngày 21/01/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.    

Ngày 17/12/2012 , Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.

Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong tổ chức việc tang, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ngày 19/3/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề ra giải pháp nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đề xuất các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những mô hình tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ.

 

2. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng còn một số Lễ hội, chương trình chào mừng các ngày Lễ, ngày Kỷ niệm được tổ chức chưa thực sự có tính giáo dục cao, còn một số tập hủ tục, một số chương trình tổ chức với quy mô quá lớn, chưa thật sự cần thiết,… đã gây lãng phí về nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân. Nhằm giáo dục ý thức xây dựng xã hội văn minh, an toàn, lành mạnh, cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đánh giá, nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ quy tắc, tiêu chuẩn phù hợp trong việc tổ chức các Lễ hội, chương trình chào mừng các ngày Lễ, ngày Kỷ niệm để đảm bảo việc tổ chức phải mang tính thiết thực, tăng cường giáo dục và tiết kiệm nguồn lực cho đầu tư phát triển (Câu số 2).

Trả lời: Tại công văn số 3810/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội (Tờ trình số 36/TTr-BVHTTDL ngày 08/02/2018) và dự thảo Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng các bộ, ngành, địa phương (Tờ trình số 84/TTr-BVHTTDL ngày 18/4/2018).

Quan điểm chỉ đạo của các dự thảo trên là, việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Phần nghi lễ phải nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường. Không lợi dụng việc tổ chức nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Kinh phí tổ chức lễ hội trên nguyên tắc hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.     

Theo dự thảo Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng các bộ, ngành, địa phương, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc phân cấp công nhận nhằm xóa bỏ hiện tượng công nhận tràn lan, không rõ ràng về thẩm quyền. Ðồng thời, nhằm đơn giản, minh bạch hóa các thủ tục và loại bỏ, giảm thiểu những thủ tục rườm rà, gây trở ngại, góp phần giảm lãng phí, tốn kém.

 

3. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét bổ sung vùng Sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vào quy hoạch các điểm du lịch quốc gia; nâng Lễ hội Sâm Ngọc Linh hằng năm thành Lễ hội Sâm quốc gia nhằm quảng bá thương hiệu Sâm Việt Nam (Câu số 3).

Trả lời: Tại công văn số 3809/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Luật Du lịch năm 2017 không còn quy định về điểm du lịch quốc gia, chỉ quy định việc công nhận điểm du lịch, thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề nghị tỉnh Quảng Nam thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Về việc nâng cấp Lễ hội Sâm Ngọc Linh hàng năm thành Lễ hội Sâm quốc gia: Theo quy định tại Điều 7, Chương II Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài quy định duy nhất Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức cấp quốc gia vào năm tròn. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh hàng năm với mục đích quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam được tổ chức ở quy mô cấp huyện hoặc cấp tỉnh tùy điều kiện kinh tế của địa phương, phải đảm bảo theo quy định của nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.

 

4. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị xem xét cho các chùa Khmer được thả đèn gió nhân dịp lễ hội Ok - Om - Bok nhằm giữ gìn và phát huy nét truyền thống của đồng bào Khmer (Câu số 4).

Trả lời: Tại công văn số 3812/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Hoạt động thả đèn gió/đèn trời trong lễ hội Ok - Om - Bok của người Khmer được cộng đồng thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, trong điều kiện không gian, môi trường hiện nay, việc thả đèn trời có nguy cơ xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng, khó kiểm soát và quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức cụ thể. Thực tế, đã có không ít trường hợp cháy xảy ra do thả đèn trời. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”. Tại Điều 1 của Quyết định đã nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” trong phạm vi cả nước”. Vì vậy, đề nghị địa phương thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

5. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm trùng tu, tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vì hiện nay một số công trình trong nghĩa trang đang xuống cấp, thiếu sự tôn nghiêm đối với các anh hùng liệt sỹ có công với nước (Câu số 5).

Trả lời: Tại công văn số 3806/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2015, Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã được hỗ trợ 6,3 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Nghĩa trang Hàng Dương, Chuồng Bò, Trại 3, Trại 6, Sở củi…

Trong giai đoạn 2016 - 2020: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4175/BVHTTDL-DSVH ngày 03/10/2017 gửi Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích Sở Lò vôi, Cầu tàu 914 và Cầu Ma Thiên Lãnh. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung di tích Nhà tù Côn Đảo vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 02/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2163/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Côn Đảo, trong đó đã xác định bốn nhóm dự án thành phần với 19 dự án tu bổ di tích gốc và các dự án tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang kiến trúc, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong khu vực di tích lịch sử Côn Đảo. Việc bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương được xác định tại dự án mang ký hiệu 2.07, thuộc phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thẩm định, thỏa thuận một số nội dung tu bổ, tôn tạo di tích thành phần thuộc Nghĩa trang Hàng Dương, bao gồm: Tu bổ, tôn tạo mộ Tổng bí thư Lê Hồng Phong (năm 2015); xây dựng nhà hóa vàng, mở rộng sân hành lễ và bãi đỗ xe của nghĩa trang (năm 2018). Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích.

 

6. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, du lịch. Nghiên cứu việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch quốc tế tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh đối với các trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép. Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép, tuyên truyền thông tin sai sự thật và có những hành vi xuyên tạc lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam (Câu số 6).

Trả lời: Tại công văn số 3805/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

1. Về kiến nghị tăng cường quản lý chất lượng kinh doanh dịch vụ, du lịch

 Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ, du lịch nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch giúp cho hoạt động kinh doanh du lịch ngày các phát triển bền vững, đúng quy định pháp luật, ngày 15/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2608/BVHTTDL-TCDL đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, trong đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung quản lý các tour du lịch giá rẻ; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về  tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra chuyên ngành du lịch tại các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát hoạt động du lịch trên địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đối với các địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh.... Thông qua đó kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, kể cả việc trục xuất, cấm nhập cảnh đối với những trường hợp cố tình lợi dụng vào Việt Nam du lịch để hoạt động hành nghề kinh doanh, hướng dẫn du lịch trái phép, nhất là những đối tượng có hành vi xuyên tạc, giới thiệu sai lệch về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.

Ngày 15/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch và Kế hoạch số 1037/KH-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện. Ngày 15/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2608/BVHTTDL-TCDL đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng công tác quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Kết quả thanh tra, kiểm tra trong hai năm gần đây, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền hàng trăm triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, Thanh tra Bộ, Thanh tra các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của 05 đơn vị vì để cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài núp bóng hoạt động kinh doanh lữ hành; đề nghị cơ quan công an xử phạt theo thẩm quyền 22 trường hợp và xem xét trục xuất, hạn chế nhập cảnh đối với 66 trường hợp người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định pháp luật về du lịch.

2. Về kiến nghị xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch quốc tế tại Việt Nam

Ngày 02/3/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL, trong đó có quy tắc ứng xử dành riêng cho khách du lịch (khách nội địa và quốc tế). Trên cơ sở bộ Quy tắc ứng xử đã được ban hành, Tổng cục Du lịch và nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai... đã cụ thể hóa và triển khai nhiều hoạt động tuyền truyền về ứng xử văn minh du lịch cho khách du lịch tại địa phương. Việc tuyên truyền, phổ biến quy tắc ứng xử đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhiều địa phương đã hình ảnh hóa, minh họa, dịch thuật bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch phù hợp với các đối tượng khách quốc tế trên địa bàn (Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...).

3. Về kiến nghị xử lý nghiêm việc hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép, tuyên truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam

Với hiện tượng có một số người nước ngoài lợi dụng đi du lịch để vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hướng dẫn du lịch trái phép, trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch có các văn bản hướng dẫn các địa phương trên cả nước nhằm tăng cường năng lực hướng dẫn du lịch cho đội ngũ lao động trên địa bàn; kiểm tra gần 2.000 hướng dẫn viên, trong đó xử lý vi phạm gần 100 hướng dẫn viên, thu hồi 33 thẻ hướng dẫn viên, tước quyền sử dụng 2 thẻ hướng dẫn viên; phát hiện và lập biên bản, lập hồ sơ chuyển vụ việc có yếu tố nước ngoài cho cơ quan công an xử lý vi phạm đối với 50 người nước ngoài hành nghề không phép; đồng thời, có văn bản đề nghị cơ quan công an phối hợp quản lý thị trường khách du lịch nhằm đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho khách du lịch, đề nghị xuất cảnh đối với những trường hợp lợi dụng việc vào Việt Nam du lịch để lao động hoặc hướng dẫn du lịch trái phép.

  Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch công khai danh sách hướng dẫn viên trên trang web huongdanvien.vn và thông tin về các doanh nghiệp lữ hành trên trang web quanlyluhanh.vn để khách du lịch và cơ quan quản lý du lịch tại địa phương có thể đối chiếu, kiểm tra.

 

7. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành văn bản pháp luật quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, tránh trường hợp lạm dụng tiền công đức chi tiêu tùy tiện, vào túi cá nhân gây bức xúc trong dư luận xã hội (Câu số 7).

Trả lời: Tại công văn số 3808/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích đã được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

 

8. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Trên địa bàn huyện Lý Nhân có nhiều di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng song do ngân sách nhà nước còn hạn chế nên việc trùng tu, tôn tạo các công trình gặp khó khăn, khi công trình xuống cấp các địa phương có di tích đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, khảo sát và cho chủ trương để khắc phục nhưng việc cho ý kiến rất chậm dẫn đến tình trạng các công trình xuống cấp mà chưa được sửa chữa, trùng tu. Đặc biệt huyện Lý Nhân có ngôi Đền Trần Thương nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn người có công lao to lớn đối với dân tộc. Ngôi đền này về quy mô, các hạng mục công trình đã có đầu tư nhưng thời gian kéo dài, các hạng mục còn dở dang chưa rõ lý do. Đề nghị Nhà nước chỉ đạo Bộ, ngành quan tâm, đáp ứng niềm mong mỏi chung của nhân dân (Câu số 8).

Trả lời: Tại công văn số 3807/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Việc thỏa thuận chủ trương, thẩm định dự án tu bổ di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện theo quy định và trong thời hạn quy định tại Điều 17 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra thực tế và khắc phục việc xảy ra chậm trễ khi thực hiện các dự án.

Về tu bổ, tôn tạo di tích đền Trần Thương: Ngày 29/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1264/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thỏa thuận chủ trương lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chủ động đưa kinh phí thực hiện dự án vào kế hoạch trung hạn của địa phương và bố trí từ ngân sách địa phương, đồng thời, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án. Tiếp đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam: Công văn số 3728/BVHTTDL-DSVH ngày 01/9/2017 về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương; Bộ đã chỉ đạo Cục Di sản văn hóa có Công văn số 853/DSVH-DT ngày 20/12/2017 về việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương.

Để việc tu bổ, tôn tạo di tích đền Trần Thương được hoàn thành và sớm bàn giao đưa vào sử dụng phát huy giá trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực hiện dự án đã được Bộ thỏa thuận bảo đảm quy định.

 

9. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Ngày 06 tháng 6 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu; ngày 07 tháng 12 năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Thực tế hiện nay xảy ra sự bất cập về quy định tiền công áp dụng cho huấn luyện viên, vận động viên, cụ thể Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ có mức quy định tiền công áp dụng cho huấn luyện viên, vận động viên thấp hơn mức quy định của Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành. Đề nghị xem xét điều chỉnh cho phù hợp mức lương vùng (Câu số 9).

Trả lời: Tại công văn số 3804/BVHTTDL-VP ngày 23/8/2018

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu để thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xin ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định trên. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc điều chỉnh thẩm quyền ban hành văn bản (Công văn số 9224/VPCP-KGVX ngày 30/8/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ liên quan điều chỉnh thể thức văn bản thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 1353/VPCP-KGVX ngày 06/02/2018 về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định; căn cứ nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2018 (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 08/3/2018), theo đó: “Đồng ý về nguyên tắc nâng mức tiền công cho huấn luyện viên, vận động viên; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở đảm bảo phù hợp với nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao và điều chỉnh mức tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định dựa trên căn cứ mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 01/7/2018.

Bộ Tài chính đã thống nhất với việc điều chỉnh tăng mức tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn thi đấu cho huấn luyện viên, vận động viên theo mức lương cơ sở mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định (Tờ trình số 170/TTr-BVHTTDL ngày 27/7/2018).

File đính kèm: