Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, trong những năm gần đây trên địa bàn, Tỉnh tăng cường đẩy mạnh cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp do các hộ xâm canh, lấn chiếm giao cho các công ty nhà nước để làm kinh tế và thực hiện các dự án an sinh - xã hội, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội,... Vấn đề này đã không tránh khỏi việc một số hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án cho rằng quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng, dẫn đến việc khiếu nại về đền bù, giải tỏa, cấp tái định cư. UBND tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo, quán triệt đến các cấp, các ngành tập trung triển khai thi hành một cách nghiêm túc, triệt để, từ đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn chưa triệt để, đặc biệt trong khâu phân loại đơn thư khiếu nại. Nếu phân loại được đơn thư khiếu nại của công dân ngay khi tiếp nhận thì việc giải quyết sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình – nêu ý kiến: "Phân loại ở đây có 2 cái, đó là phân loại theo thẩm quyền và phân loại theo hình thức, nội dung vụ việc. Có những cái rõ ràng người ta khiếu nại nhưng lại ghi là kêu cứu, tiêu đề mà người dân ghi rất là phong phú nhưng bản chất vụ việc lại khác. Nếu cán bộ không đọc kỹ, không nắm chắc vụ việc thì không thể phân biệt nó là khiếu nại hay là tố cáo. Và khiếu nại, tố cáo đó là thuộc cấp nào giải quyết".
Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước tại buổi làm việc
Trong quá trình thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Bình Phước với các cơ quan trung ương như Thanh tra Chính phủ, các bộ ,ngành cũng như các đoàn thể tại địa phương. Nhưng để giải quyết nhanh chóng và thấu đáo các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân thì UBND tỉnh cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện – trăn trở: "Vai trò hòa giải của địa phương đối với các vấn đề tranh chấp dân sự khi mà trên địa bàn là hết sức quan trọng. Vai trò của hòa giải như thế nào? Thực hiện hòa giải ra làm sao?"
Trong khi đó, bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước – cũng bày tỏ quan điểm: "Cán bộ tiếp dân trong tổng thể toàn tỉnh, cần phải đào tạo, tăng cường thêm, đúng ngành nghề theo quy định, để làm sao giải quyết và tiếp dân, đảm bảo công dân được lắng nghe, được giải thích pháp luật rõ ràng tại buổi tiếp dân đó thì người ta đỡ bức xúc hơn".
Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu đưa ra tại hội nghị. Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực, chú trọng của UBND tỉnh Bình Phước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong quản lý hành chính Nhà nước, tỉnh Bình Phước cần có những biện pháp hạn chế các bất cập thời gian qua. Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp và báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.