KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TẠI HẢI PHÒNG, HÀ NỘI, HÒA BÌNH, BẮC GIANG, THÁI BÌNH, QUẢNG NINH

11/12/2019

Tại phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo kết quả của Đoàn công tác số 01 giám sát tại thành phố Hải Phòng, Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình và Quảng Ninh.

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp phiên thứ 2

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Đoàn công tác số 01 của Đoàn giám sát cho biết qua giám sát cho thấy tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến 272 em, chiếm 41% tổng số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015-2019.

Tại 6 tỉnh, thành phố được giám sát có 1.197 trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức như xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lẹ cao trong các vụ việc xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tại các thành phố như Hà Nội và Hải Phòng có sự gia tăng số vụ bỏ rơi, bỏ mặc trẻ dưới 6 tuổi. Mặc dù, số vụ việc xâm hại trẻ em và số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý chưa phản ứng đầy đủ tình hình thực tế trẻ em bị xâm hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Về nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, về mặt khách quan, vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều; một bộ phận người dân đi làm ăn xa, để lại con nhỏ ở nhà một mình hoặc gửi lại cho người thân, người quen chăm sóc. Cùng với đó, mối quan hệ trong nhiều gia đình không bền vững, tình trạng ly hôn, ly thân, sự du nhập lối sống thực dụng, buông thả, các loại văn hóa phẩm độc hại, sự tha hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân đã ảnh hưởng tiêu cực đến người lớn và trẻ em.Trong khi đó, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn hạn chế, các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em còn sơ sài.

Nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng ở một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thể quần chúng tại cơ sở có nơi có lúc chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra là một trong những nguyên nhân chủ quan được Đoàn công tác chỉ ra. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở một số địa bàn, đơn vị còn bị buông lỏng, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, các đoàn thể và gia đình trong việc quản lý trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và người dân con hạn chế.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Đoàn công tác số 01 của Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát tại một số địa phương

Qua giám sát tại 06 địa phương, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết nổi lên một số vấn đề trong công tác ban hành chính sách, pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, tại hầu hết các địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em theo quy định, rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em mà chủ yếu là lồng ghép với các chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung. Các địa phương không báo cáo về việc hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết vác vấn đề của trẻ em ở địa phương theo khoản 3 Điều 90 Luật Trẻ em.

Đáng lưu ý là có sự buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với trẻ em tại một vài địa bàn, có trường hợp trẻ em bị xâm hại trong một thời gian dài mà chính quyền không biết, các cơ quan có trách nhiệm không biết. Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ngay tại địa phương nhưng nhiều cơ quan có trách nhiệm chậm lên tiếng, đề nghị xử lý. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, có trường hợp trẻ em bị xâm hại chưa được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với kết quả giám sát của Đoàn công tác số 01. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, báo cáo giám sát của các Đoàn công tác và báo cáo của các địa phương là cơ sở để làm việc Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới cũng như hoàn thiện báo cáo giám sát của Đoàn giám sát./.

Bảo Yến

Các bài viết khác