Việt Nam coi Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản, một mục tiêu của các quốc gia và thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội

15/10/2014

Phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 131.

Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới, 
Thưa Ngài Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, 
Thưa các quý vị đại biểu!

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam gửi tới Ngài Chủ tịch cùng các quý vị đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 131 lời chào trân trọng và tin tưởng rằng kỳ họp Đại hội đồng IPU-131 sẽ thành công tốt đẹp.

Thưa quý vị đại biểu,

Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản, một mục tiêu của các quốc gia và thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Trong những năm gần đây, việc thực hiện Tuyên ngôn quốc tế, các công ước của Liên Hợp Quốc về quyền con người, Cương lĩnh Bắc Kinh về bình đẳng giới cũng như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDGs đã đạt được một số thành tựu đáng kể về bình đẳng giới. Chúng ta vui mừng nhận thấy cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái đã có nhiều thay đổi, nhiều phụ nữ và trẻ em gái biết chữ hơn bao giờ hết, ở 1/3 số nước đang phát triển đã có nhiều trẻ em gái đi học hơn trẻ em trai, phụ nữ chiếm hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu, phụ nữ được tham gia ngày càng sâu hơn, rộng hơn trong đời sống chính trị-xã hội của các nước.

Bên cạnh những thành tựu đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn tồn tại dai dẳng, diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức là một thách thức mang tính toàn cầu với 1/3 số phụ nữ và các bé gái là nạn nhân. Bạo lực đối với phụ nữ để lại những hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của phụ nữ, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai mà nguyên nhân sâu xa là bất bình đẳng giới, thể hiện quan hệ không cân bằng về quyền lực giữa nam và nữ trong lịch sử và chính bạo lực đối với phụ nữ là trở ngại lớn để đạt được sự bình đẳng, phát triển, hòa bình và bình đẳng giới thực chất chỉ có thể được thiết lập khi không còn bạo lực đối với phụ nữ.

Việt Nam luôn ý thức rằng, bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào thúc đẩy tiến bộ phụ nữ và phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản nhằm thúc đẩy thực hiện quyền con người, bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Việt Nam đã ban hành Hiến pháp mới trong đó có 1 chương đề cập về quyền con người, quyền phụ nữ. Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các đạo luật hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy bình đẳng, tiến bộ phụ nữ. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khóa 2014-2016, Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của mình về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái, về bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ. 

Thưa quý vị đại biểu,

Việt Nam hoan nghênh IPU về hỗ trợ các Nghị viện thành viên đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong việc trao đổi kinh nghiệm và thông tin về các biện pháp phòng ngừa, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Đại hội đồng IPU lần này là một cơ hội để chúng ta điểm lại những cam kết của IPU, thành tựu đã đạt được và đưa ra những giải pháp trong thời gian tới nhằm tăng cường bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Với tôn chỉ hoạt động là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như là yếu tố cơ bản của dân chủ nghị viện và của sự phát triển, chúng tôi hy vọng IPU phát huy hơn nữa vai trò của mình và cùng với các nghị viện thành viên và các quốc gia xem xét thực hiện:

Một là, tiếp tục ưu tiên lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ vào các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, từng bước tiến tới xóa bỏ bạo lực đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em ở cấp quốc gia và quốc tế.

Hai là, nâng cao vai trò của Nghị viện và nghị sỹ thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách quốc gia phù hợp với các cam kết, chuẩn mực và thực tiễn quốc tế về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ; đồng thời bảo đảm việc thực thi luật pháp hiệu quả, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi bạo lực, tạo điều kiện cho nạn nhân tiếp cận những cơ chế, biện pháp giải quyết công bằng và hiệu quả.

Ba là, tăng cường giáo dục, nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong trường học để bảo đảm rằng các thế hệ sau không bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực. Bình đẳng thực chất sẽ được thực hiện khi phụ nữ và trẻ em gái ý thức hơn quyền của mình cũng như có các cơ hội tham gia vào các quá trình hoạch định chính sách để bảo hộ tốt hơn.

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các chính phủ và nghị viện các nước nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm xuyên quốc gia.

Năm là, thúc đẩy hợp tác giữa IPU, nghị viện các nước thành viên với các tổ chức hữu quan của Liên Hợp Quốc, các diễn đàn quốc tế về phụ nữ cũng như với các tổ chức chính trị xã hội tại mỗi quốc gia nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của phụ nữ, bình đẳng giới, chống phân biệt và đối xử và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ.

Chúng tôi hy vọng rằng, sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các nghị viện thành viên và IPU sẽ góp phần đạt mục tiêu bình đẳng giới và cho phép chúng ta tin tưởng vào một tương lai không có bạo lực trên cơ sở giới nói chung, bạo lực đối với phụ nữ nói riêng.

Thưa Ngài Chủ tịch, 
Thưa quý vị đại biểu,

Quốc hội Việt Nam chân thành cảm ơn các thành viên IPU đã tin tưởng, ủng hộ và thông qua quyết định tại Đại hội đồng IPU lần thứ 128 về việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2015.

Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội Việt Nam, tôi nhắc lại lời mời chính thức của ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã gửi đến tất cả các quốc gia thành viên của IPU tham dự Đại hội IPU lần thứ 132. Rất mong được chào đón tất cả các quý vị tại Hà Nội.

Xin cám ơn tất cả quý vị đại biểu đã lắng nghe!

(Theo Đại biểu Nhân dân)