Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ IX

17/10/2015

Ngày 17/10, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng Nhân dân 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011​- 2016) với chủ đề “Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương ở cấp tỉnh” đã diễn ra tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị                                            Ảnh: phutho.gov.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chính quyền địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. 

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII có nhiều điểm mới, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý và sửa đổi, bổ sung các bất cập, vướng mắc trong thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tăng lên, thành lập thêm các ban của Hội đồng Nhân dân cấp xã. 

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, làm rõ những vấn đề như việc lựa chọn, bố trí con người cụ thể ở các địa phương đảm nhận các vị trí, số lượng cán bộ chuyên trách cho phù hợp, tiêu chuẩn và điều kiện thành lập Ban Dân tộc… nhằm xây dựng, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp. 

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ngay từ khi triển khai thực hiện Luật. Đây là nhân tố hết sức quan trọng góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương.

Ảnh: phutho.gov.vn

Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng chủ đề Hội nghị là nội dung hết sức quan trọng, bởi việc nghiên cứu sâu, nắm chắc quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là những quy định mới về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân các cấp có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng kế hoạch, xác định biện pháp cụ thể cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai khi Luật có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2016), đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về mô hình tổ chức Hội đồng Nhân dân; công tác quy hoạch, bố trí cán bộ Hội đồng Nhân dân, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân từng cấp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền hạn, chế độ hoạt động của Thường trực và các thành viên của Thường trực Hội đồng Nhân dân; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân; công tác đào tạo, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; chế độ hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân…

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang Vương Mí Vàng cho rằng, Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân tỉnh cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu đề cử, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh; thực hiện tốt công tác giới thiệu, hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân trong nhiệm kỳ 2016-2021; cơ cấu đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa đảm bảo tính đại diện, đồng thời phải đảm bảo được chất lượng…

Theo Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình Hoàng Văn Tứ, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. 

Các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật chuyên ngành cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó cần cụ thể hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và quy định cụ thể về các vấn đề quan trọng của địa phương do Hội đồng Nhân dân xem xét, quyết định để tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, của Ủy ban Nhân dân và các cơ quan quản lý theo ngành dọc ở các cấp.

Ảnh: phutho.gov.vn

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên đã ký bàn giao đăng cai tổ chức Hội nghị này lần thứ X tại Điện Biên vào tháng 3/2016.