Quốc hội ngày càng khẳng định vững chắc vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân

08/12/2015

Ngày 8/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và có bài phát biểu. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Toàn văn như sau:

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo                                               Ảnh: Đình Nam

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các vị khách quý,

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Lời đầu tiên, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh toàn thể các vị khách quý, các vị nguyên lãnh đạo Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và nguyên đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn đã dành thời gian tới tham dự cuộc hội thảo quan trọng này. Xin kính chúc các quý vị và các bạn mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các Quý vị đại biểu,

Trong những ngày này 70 năm trước, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong cả nước không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến… đã náo nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Đây thực sự là “Ngày Hội lớn của dân tộc”. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 thắng lợi đã trở thành biểu tượng lớn lao chứng minh sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là một mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Chính những người nông dân, công nhân, trí thức thuộc mọi tầng lớp, lần đầu tiên được tự tay bầu ra 333 người tài, đức trên cả nước, hình thành nên một cơ quan đại diện lớn nhất của dân tộc, gồm tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội- Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính hợp pháp, dân chủ; nhà nước của dân, do dân và vì dân.

70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Trong suốt 70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp. Kể từ Quốc hội khoá I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung), 387 Bộ luật, luật, ban hành 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh. Đây là những con số rất ấn tượng, là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng, thể hiện trí tuệ, sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của những nhà lập pháp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những đổi mới, cải tiến nhằm tăng số lượng văn bản luật được thông qua tại mỗi kỳ họp, Quốc hội cũng không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của mình. Tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét hơn trong các văn bản luật được thông qua tại Quốc hội, thông qua hoạt động tham vấn để không chỉ đưa luật vào cuộc sống mà còn bắt kịp những thay đổi của cuộc sống vào trong văn bản luật.

Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới; nội dung tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

70 năm qua cũng là 70 năm Quốc hội đồng hành cùng Đảng và các thiết chế khác của hệ thống chính trị trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội được ban hành trong những thời khắc quan trọng của đất nước như Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 1986- 1990 đã mở đường cho đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ Đổi mới; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 1991 làm yên lòng dân trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều xáo trộn, phức tạp, duy trì đường lối Đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế… Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho Nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành quả mà Quốc hội ta đã đạt được trong 70 năm qua, vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội để bắt kịp với những yêu cầu mới của đất nước, thời đại. Vẫn còn đó những bài học về công tác lập pháp chưa sát với thực tiễn khiến luật vừa ban hành lại phải sửa đổi, bổ sung. Cũng không thiếu những câu chuyện về những vị đại biểu Quốc hội đã không làm tròn vị trí và trách nhiệm là người đại diện cho cử tri, chưa thật sự xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Công tác giám sát mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song hiệu lực và hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn của Nhân dân. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là quyết định ngân sách có lúc chưa có sự gắn với việc xác định các ưu tiên của đất nước trong từng năm, từng thời kỳ.

Thưa các quý vị đại biểu,

Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp Quốc hội nước ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 dự kiến vào ngày 22/5/2016. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển” là cơ hội quý để các vị khách quý, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành hữu quan thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những đóng góp to lớn của Quốc hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhìn nhận thẳng thắng những hạn chế, bất cập cũng như những thách thức đối với hoạt động của Quốc hội trước đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân và trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ những bài học kinh nghiệm lịch sử của 70 năm, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ tiếp theo, để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Để Hội thảo đạt được mục đích đề ra, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, các vị khách mời, các chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành đóng góp, thảo luận, trao đổi tích cực, thẳng thắn để Hội thảo của chúng ta đạt được hiệu quả cao.

Với tinh thần trên, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”. Một lần nữa, xin chúc các vị khách quý, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, đại diện cơ quan thông tấn báo chí cùng toàn thể các đồng chí và các bạn tới tham dự Hội thảo này lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!