Tham dự Hội thảo còn có: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, lãnh đạo các vụ, đơn vị, cơ quan hữu quan, cùng các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật.
Hiến pháp 1946- dấu mốc trong lịch sử lập hiến, lập pháp nước nhà
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp và 08 tháng sau, vào ngày mồng 9/11/1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặt nền tảng chính trị, pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới. Với ý nghĩa đó, ngày 9/11 hàng năm đã được Quốc hội nước ta ấn định là Ngày Pháp luật Việt Nam để kỷ niệm ngày ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên và để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo Ảnh: Đình Nam
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Về nội dung, Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về kỹ thuật lập pháp, Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích, toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều, trong đó có những điều chỉ vẻn vẹn có một dòng.
Trải qua 70 năm kể từ ngày Hiến pháp năm 1946 ra đời, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội nước ta đã ban hành các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm lập hiến và những giá trị chính trị, pháp lý của bản Hiến pháp đầu tiên. Tuy vậy, hoàn cảnh ra đời, nội dung và cả quy trình, kỹ thuật lập hiến của bản Hiến pháp năm 1946 vẫn còn để lại những bài học cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát huy
Qua trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tiếp tục khẳng định và làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự ra đời Hiến pháp 1946; vai trò của Hiến pháp 1946 đối với cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam và những giá trị mang tính thời đại của Hiến pháp 1946 đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, việc đánh giá Hiến pháp năm 1946 là “bản hiến pháp đầu tiên trong toàn cõi Á Đông” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một cách nói khiêm nhường. Bởi lẽ, cùng với nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do cơ bản của con người, Hiến pháp năm 1946 còn thể hiện bước tiến có thể coi là nổi trội so với các bản hiến pháp cùng thời, ngay cả của các quốc gia có nền dân chủ phát triển.
Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nghị viện nhân dân tạo cơ sở cho sự phát triển của Quốc hội qua các thời kỳ
Về những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức mô hình tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp này đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước, đồng thời đã Việt hóa một cách tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc giám sát Chính phủ; đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án- cơ quan tư pháp; phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương… Mặc dù những quy định này chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trên thực tế do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ đất nước có chiến tranh nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của nó đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, những giá trị này vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính và xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội PGS.TS Lê Minh Thông cho biết, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên quy định về chế định nghị viện nhân dân là mô hình tổ chức Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Nghiên cứu các quy định của Hiến pháp 1946 về Nghị viện nhân dân cho thấy, mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan này vừa tiếp thu được các giá trị phổ biến của mô hình Nghi viện đang được tổ chức ở nhiều nước dân chủ trên thế giới vào thời điểm đó, vừa phù hợp với các điều kiện lịch sử đặc thù của chế độ dân chủ nhân dân lần đầu tiên được thiết lập ở nước ta. 70 năm qua, kể từ thời điểm bản Hiến pháp 1946 được Quốc hội lập hiến thông qua, các quy định của Hiến pháp về Nghị viện nhân dân đã đặt ra các cơ sở hiến định đầu tiên, căn bản cho sự phát triển của Quốc hội Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.
Hiến pháp 2013 được xem là bước phát triển dài và cơ bản so với Hiến pháp 1946 trong lịch sử lập hiến. Các quy định của Hiến pháp 2013 về Quốc hội vừa kế thừa đầy đủ các giá trị các quy định của Hiến pháp 1946 về Nghị viện nhân dân vừa phát triển và bổ sung mới nhiều giá trị mới về cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, của nhân dân.
Phó Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội khóa XIII PGS.TS Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo
Hiến pháp 2013 kế thừa và phát triển những tư tưởng quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1946
Trong bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của con người được đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm, cũng lần đầu tiên người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền.
Ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định, việc đảm bảo các quyền tự do dân chủ là một trong ba nguyên tắc làm nền tảng cho việc xây dựng bản Hiến pháp này. Các quyền lợi của công dân được ghi nhận và bảo vệ trong Chương 2 của Hiến pháp trải rộng trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bao gồm cả các quyền cá nhân và quyền nhóm.
Theo PGS.TS Vũ Công Giao, quyền công dân được đặc biệt đề cao trong Hiến pháp 1946. Chế định này được xây dựng với cách tiếp cận cởi mở, tiến bộ, cập nhật với tư tưởng chung của nhân loại nhưng khoa học, chặt chẽ và mang tính thực tế cao. Từ cách tiếp cận, nội dung cho đến ngôn ngữ sử dụng trong việc hiến định các quyền công dân trong Hiến pháp 1946 cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị tiến bộ của văn minh phương tây với những tư tưởng và điều kiện hoàn cảnh đặc thù của dân tộc Việt Nam ở thời kỳ đó. Những điều này góp phần khẳng định giá trị và tính độc đáo của Hiến pháp 1946 trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Cách tiếp cận, kỹ thuật và nội dung hiến định về quyền trong Hiến pháp 1946 cho đến nay vẫn là các tiêu chí tham khảo quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quyền hiến định ở nước ta.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đăng Dung đánh giá Hiến pháp 1946 có nhiều dấn ấn của chủ nghĩa lập hiến hơn cả. Đây là bản hiến pháp có cách tiếp cận gần với quyền con người nhất. Quyền công dân được Hiến pháp 1946 quy định ngay ở các chương đầu tiên, làm cơ sở cho việc quy định các chương khác.
Hiến pháp 2013 thể hiện sự kế thừa và phát triển những tư tưởng và nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1946. Những kế thừa, phát triển đó tạo lập cách tiếp cận mới gắn với nhận thức chung của nhân loại và các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế. Theo đó, Hiến pháp 2013 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong vấn đề nhân quyền so với Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Điều này cho thấy nỗ lực của các nhà lập hiến trong việc hoàn thiện khuôn khổ hiến định để bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân ở nước ta trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng có thể xem đây là nội dung được nghiên cứu, tiếp thu tương đối nhiều trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, từ nội dung của từng quy định của Hiến pháp cho đến cấu trúc, vị trí của chương về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp.
Trong thời gian vừa qua, Quốc hội nước ta cũng đã tích cực thể chế hóa các quy định của Hiến pháp trong các đạo luật quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những bài học trong việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp năm 1946 và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ từ năm 1946 đến năm 1960 vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhất là trong bối cảnh Nhà nước ta đang hướng tới việc xây dựng một Nhà nước kiến tạo để tạo điều kiện và khuyến khích người dân tự do phát huy năng lực sáng tạo, góp phần vào quá trình phát triển của đất nước.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu, đánh giá Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết thời gian tới Quốc hội, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục kế thừa phát triển các giá trị, nội dung của Hiến pháp 1946 vào hoạt động lấp hiến, lập pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, tổ chức thực hiên quyền lực nhân dân, quyền lực Nhà nước thực chất, khoa học, hiệu quả trên tinh thần phân công, phối hợp, kiểm soát để xây dựng nhà nước kiến tạo phục vụ nhân dân; cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp hiệu lực hiệu quả, để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống.