Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2011 - 2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Theo đó, việc ban hành văn bản pháp luật đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Hệ thống văn bản pháp luật đã có sự chuyển biến, bảo đảm tính cụ thể và đồng bộ, thống nhất về mặt nhận thức, quan điểm, đường lối cũng như lộ trình thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp, ngành; tạo cơ sở pháp lý, khoa học cho việc triển khai thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Công tác cán bộ cũng từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, công tác cải cách thủ tục hành chính hướng đến tính phục vụ ngày càng cao, đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng nhận định vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn tình trạng nhiều tổ chức, đơn vị trong cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành nhưng không được quy định trong nghị định về tổ chức bộ máy của Bộ, ngành đó. Phần lớn bộ, ngành, nhiều đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, mà không được ghi nhận trong nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành. Trong cơ cấu, tổ chức của các bộ, ngành, chính quyền địa phương còn tồn tại các mô hình tổ chức khác ngoài các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể như, các văn phòng chuyên trách, ban chỉ đạo, ban quản lý, hội đồng, các tổ chức phối hợp liên ngành. Việc ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức bộ máy chưa kịp thời, thiếu thống nhất, thay đổi thường xuyên khiến tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, nhất là ở địa phương, thiếu tính ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng chúng ta cần xây dựng hệ thống văn bản bảo đảm tính pháp lý nhưng phải gắn với thực hiện và được vận dụng một cách hiệu quả. Việc thực hiện quy định về quản lý biên chế chưa nghiêm. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương tăng nhanh. Số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68 ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao; tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ, ngành, địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến. Do vậy, chúng ta phải thắt chặt kỷ cương trong giao chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Với đội ngũ cán bộ làm việc kém hiệu quả cần phải từng bước tinh giản biên chế, tránh tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị về những vướng mắc, hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua, nhằm giúp Đoàn giám sát có được những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, có tính tổng quát cao. Trên cơ sở ý kiến tại Hội nghị, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 8 và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới.