Cùng dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân duyệt đội danh dự
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Biên giới, biển đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 22/02/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 03 tháng 3 hàng năm là Ngày Biên phòng. Năm 2003, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định ngày 03 tháng 3 hàng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị
Qua 30 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Các cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động được nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã biên giới và các đồn, trạm Biên phòng, tăng cường gắn bó đoàn kết quân dân; thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân; đồng thời kịp thời cổ vũ động viên đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo và cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng khắc phục khó khăn, gian khổ, hi sinh, yên tâm bám trụ nơi biên giới, biển đảo; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Các lực lượng vũ trang nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng được chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh, là lực lượng chuyên trách, luôn đoàn kết, gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng còn tích cực tham gia xây dựng địa bàn khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiêu biểu như: Chương trình Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản, Thầy giáo quân hàm xanh, Nâng bước em đến trường, Đồng hành cùng phụ nữ biên cương... Qua đó, phong trào hành động ở cơ sở, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ biên giới được nâng lên. Đồng thời, góp phần làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới ngày càng ổn định, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng được củng cố, giữ vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự hội nghị
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng trong việc tổ chức có hiệu quả các nội dung Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009 - 2019.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, do những điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nên khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đó là: Hệ thống chính trị ở cơ sở nhiều nơi còn hạn chế, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc vừa mỏng vừa yếu; đội ngũ cán bộ ở cơ sở một số nơi năng lực quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu, cầu nhiệm vụ; tỷ lệ hộ đói nghèo ở khu vực biên giới vẫn còn cao so với tỷ lệ chung của cả nước; hạ tầng cơ sở đã được quan tâm đầu tư xây dựng, song nhìn chung vẫn còn thiếu; cơ sở y tế, giáo dục mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân; tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, vùng biển và những vấn đề an ninh phi truyền thống diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp khó lường.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tiếp tục chống phá. Do vậy, việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Để Ngày Biên phòng toàn dân những năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương 6 vấn đề đáng chú ý như: tiếp tục nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X một cách sâu sắc, nhất là các Nghị quyết và Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII về quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng trong việc tổ chức có hiệu quả các nội dung Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009 - 2019
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội địa bàn biên giới, biển, đảo. Coi đây là nhiệm vụ chính trị vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp bách của các cấp, các ngành, của mọi cơ quan, đơn vị, mọi cán bộ, chiến sỹ trong tình hình hiện nay. Đi đôi với việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, phải tích cực đổi mới, đa dạng hoá các nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động để xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời chủ động đấu tranh phòng, chống, làm thất bại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị địa bàn biên giới, hải đảo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền chủ động làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho địa bàn biên giới, cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hướng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị tuyến sau tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, hoạt động hướng về biên giới, biển đảo để động viên, chia sẻ với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện./.