PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG THĂM, LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN VIETTEL

18/03/2022

Chiều ngày 17/03, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.


Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cùng các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Về phía đại diện Bộ Quốc phòng, Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị tham dự buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đề xuất Quốc hội giao cho Viettel tham gia xây dựng Đề án Quốc hội điện tử với 2 module chính gồm: Cơ sở dữ liệu kho dữ liệu dùng chung-nơi tập hợp toàn bộ hệ thống các văn bản luật và Trung tâm điều hành cho phép kết nối với các phòng họp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội. Viettel cũng đề xuất Quốc hội đưa các giải pháp CNTT mà Viettel đã triển khai vào sử dụng.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng cho rằng, Luật đấu thầu hiện hành đang áp dụng chung một quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm với dự án kinh doanh của DNNN giống như với các dự án đầu tư của các cơ quan hành chính sự nghiệp hay các dự án đầu tư công. Điều này dẫn đến doanh nghiệp mất nhiều thời gian thực hiện. Viettel đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu để tăng tính chủ động, linh hoạt, tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Tập đoàn cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu cơ chế đánh giá hiệu quả đầu tư của DNNN trên tinh thần đánh giá tổng thể, có xét tính giai đoạn đối với các dự án đầu tư cụ thể để xác định mức độ bảo toàn và phát triển vốn.

Các thành viên đoàn công tác dự buổi làm việc

Hiện nay, pháp luật Việt Nam hiện chưa có văn bản quy định về hình thức, cơ chế thoái vốn tại các dự án/công ty tại nước ngoài. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tạo doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn chỉ quy định trình tự, thủ tục và các đầu mối tham gia thực hiện là các cơ quan, tổ chức thành lập, Viettel kiến nghị Luật này cần được sửa đổi, bổ sung quy định về việc thoái vốn đầu tư của DNNN tại nước ngoài. Để đảm bảo không mất cơ hội trong thời gian hoàn thiện cơ chế pháp lý, kiến nghị cho phép Viettel thực hiện thoái vốn đầu tư tại nước ngoài theo hình thức phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật nước sở tại, trên cơ sở nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, với xu thế cạnh tranh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Viettel kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nghiên cứu, nhanh chóng ban hành hành lang pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn cụ thể để DNNN, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ-CNTT được thành lập Quỹ khởi nghiệp sáng tạo để thực hiện hoạt động đầu tư mạo hiểm, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với tính chất của hoạt động đầu tư này.

Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel báo cáo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về sự phối hợp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, triển khai Quốc hội điện tử, bao gồm cả về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu. Hệ thống phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư trong công tác dân nguyện. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc phối hợp để triển khai Văn phòng điện tử, Hệ thống phân phối nội dung số; các nền tảng số để chuyển tải các nội dung của Quốc hội tới cử tri và nhân dân cả nước. Các đại biểu cũng ghi nhận và trao đổi với những đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật để tăng tính chủ động, linh hoạt, tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng bức tranh lưu niệm cho Tập đoàn Viettel.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương biểu dương sự vươn lên của Viettel trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đảm bảo an ninh quốc phòng. Năm 2021, Tập đoàn có mức tăng trưởng 3,3%, là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP đất nước tăng 2,58%; đã triển khai có hiệu quả 6/11 mạng viễn thông số 1 tại 6 quốc gia, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tập đoàn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, khẳng định vai trò là doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước, của Quân đội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung mọi nguồn lực trở thành hạt nhân của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao theo hướng lưỡng dụng, làm chủ công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đối với các kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng là các phản ánh của thực tiễn, là cơ sở quan trọng cần được nghiên cứu kỹ trong quá trình tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tập đoàn Viettel phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình thẩm tra các Luật có liên quan và triển khai Quốc hội điện tử trong thời gian tới./.

Khắc Phục