PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ KIỂM SOÁT QUYẾT LỰC, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

05/08/2022

Ngày 5/8, tại Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo nằm trong Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội về “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022” và Kế hoạch của Ban soạn thảo xây dựng.

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để không thể tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thời gian qua, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, quyết liệt, khẩn trương, tích cực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sự nỗ lực cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và các ngành các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội và sự giám sát của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Tham nhũng đã và đang từng bước được kiềm chế, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin cho Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”

Các cơ quan hữu quan đã tích cực tham gia vào việc hoàn thiện thể chế; quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước; tập trung xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; xử lý nghiêm minh nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Việc phát hiện xử lý tham nhũng ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng còn thấp hơn so với số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, nhiều trường hợp sai phạm, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, những hạn chế nêu trên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm. Thứ hai, một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng chậm được thể chế hóa. Thứ ba, việc rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế- xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời. Thứ tư, cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực thi pháp luật nói chung và thực thi các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Thứ năm, công tác phòng, chống tiêu cực nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là những tiền đề quan trọng, liên quan mật thiết đến hành vi tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì hội thảo

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó có chủ trương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Điều hành nội dung thảo luận tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật".

Dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật với 5 Mục 17 Điều quy định về các hoạt động kiểm soát quyền lực; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo tổ chức; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của cán bộ tham mưu, đề xuất; trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm trong phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, xác định hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; xử lý hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực; quy định về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý hành vi vi phạm khác trong công tác xây dựng pháp luật.

Tăng cường giám sát xây dựng chính sách pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi “cài cắm” chính sách

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu nghe và thảo luận về các chuyên đề về cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; nhận diện hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực và thực trạng các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể. Qua đó, đem đến một cái nhìn tổng thể về “lợi ích nhóm” và các hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật.

Các đại biểu cũng cho rằng trong công tác lập pháp của Quốc hội với quy trình thủ tục chặt chẽ nên các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đến nay chưa phát hiện có hành vi lợi ích nhóm. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định chặt chẽ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu mà có sự thay đổi cơ bản so với chính sách khi soạn thảo thì phải được đánh giá tác động, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, để bảo đảm trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chính sách mới được đánh giá lại một cách thận trọng.

Tuy nhiên trong hoạt động lập pháp cũng còn một số hạn chế như việc lấy ý kiến đối với dự thảo luật đôi khi còn hình thức, cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thoả đáng, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát thủ tục hành chính đôi khi còn hình thức, chất lượng báo cáo thẩm định còn sơ sài,…Đây là những tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu cho rằng để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật bên cạnh các quy định pháp luật chặt chẽ thì công tác giám sát việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật là rất quan trọng. Theo Vụ Trưởng Vụ 5, Viện kiểm sát nhân nhân tối cao Nguyễn Đức Thái, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật các thông tư của các bộ ngành và văn bản của các địa phương là những văn bản có nguy cơ chứa đựng lợi ích nhóm và tham nhũng tiêu cực nhiều nhất. Trong khi đây lại là những văn bản trực tiếp áp dụng trên thực tế, được tất cả các bộ ngành, người dân áp dụng. Do đó, cũng cần có cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến “cài cắm” chính sách phục vụ lợi ích cục bộ ngành, địa phương, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu kết luận hội thảo, ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu đối với các nội dung trong Dự thảo lần 1 Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết qua hội thảo đã tổng hợp ý kiến của chuyên gia, tổ chức quốc tế về lợi ích nhóm, cũng như tác động tiêu cực của nó đến quá trình xây dựng chính sách của các quốc gia khác và bài học kinh nghiệm, nhất là trong xử lý hành vi cài cắm chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong xây dựng pháp luật có rất nhiều chủ thể khác nhau, nhiều khâu khác nhau. Do đó khâu sau phải kiểm soát khâu trước. Chủ thể làm khâu sau phải kiểm soát chủ thể làm khâu trước, trong đó cấp uỷ, tổ chức Đảng ở cơ quan có thẩm quyền phải kiểm soát tình hình. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kiểm soát quyền lực cũng bao gồm kiểm soát quyền lực bên trong và bên ngoài, phương thức kiểm soát quyền lực phải có kiểm soát của cơ quan nhà nước, của cấp uỷ Đảng, cơ quan Đảng, của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và của báo chí.

Thông tin tại Hội thảo là nguồn tư liệu quan trọng để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực, phòng chống “lọi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác