PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ NĂNG LƯỢNG VỚI BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM, ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
Tham dự có đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng nằm; điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; cấp Giấy Chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất…
Liên quan đến Điều 35 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý nhưng cần bảo đảm chặt chẽ, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định đơn vị sự nghiệp công lập không được thế chấp tài sản gắn liền với đất để bảo toàn tài sản công.
Về sự cần thiết, nguyên tắc phân bổ và việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất tại các quy hoạch sử dụng đất (Điều 65, Điều 66 và Điều 249), dự thảo Luật đã chỉnh sửa thêm một bước theo hướng rà soát các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất các cấp, chỉ quy định những chỉ tiêu thực sự cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ cách thức áp dụng các chỉ tiêu được giao tại dự thảo Luật để có cơ sở trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, ví dụ đối với đất rừng, đất lúa việc thực hiện vượt quá chỉ tiêu được giao... Tiếp tục rà soát, bổ sung nguyên tắc thực hiện đối với các chi tiêu sử dụng đất để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cho ý kiến đối với Điều 28 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, cần quy định phải công chứng chứng thực, bởi nếu chỉ có 2 giao dịch là trao đổi và tặng cho bất động sản phải công chứng, còn những giao dịch khác như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thể được hiểu theo quy định của Luật Công chứng hoặc là luật khác là không đồng bộ, không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã có Công văn số 1966/UBKT15 ngày 3/7/2023 gửi Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan có Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội, thời hạn đề nghị báo cáo là ngày 15/7/2023. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan của Quốc hội vẫn chưa nhận được Báo cáo này, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo để có cơ sở báo cáo Chủ tịch Quốc hội vào ngày 2/8/2023.
Về nội dung dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Hoàn thiện các quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về căn cứ, nguyên tắc lập, phê quyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thuyết minh đầy đủ về nguyên tắc, căn cứ lựa chọn, làm rõ tính cần thiết, tính hợp lý của các chỉ tiêu cần xác định trong quy hoạch sử dụng đất các cấp; bảo đảm tính phù hợp với quy hoạch cấp trên, tính đồng bộ với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác; bảo đảm tính “mở”, tính linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh có sử dụng đất.
Các đại biểu dự Hội thảo
Đồng thời, rà soát các quy định có liên quan đến kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để kế hoạch sử dụng đất cấp huyện không trở thành rào cản cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Rà soát, bảo đảm tính chặt chẽ của quy định về cho phép đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; quy định về nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Hoàn thiện các quy định về thuê đất trả tiền một lần, thuê đất trả tiền hàng năm, hoạt động lấn biển, đất thương mại, dịch vụ… bảo đảm hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện các quy định có liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đặc biệt là thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án thương mại, dịch vụ; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có; góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai; bảo đảm rõ ràng, khả thi.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quan tâm hoàn thiện các quy định về tài chính đất đai, giá đất bảo đảm tính khả thi, có xét đến chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Tiếp tục rà soát các nội dung khác tại dự thảo Luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền; thu hồi đất quốc phòng, an ninh chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để đưa vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh… bảo đảm chặt chẽ về điều kiện nhưng cũng phải thỏa đáng, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, đối với các nội dung dự thảo Luật liên quan đến các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng kết thực hiện để có cơ sở xem xét tại dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận hội thảo
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Đồng thời khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.