CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG ĐÃ ĐÁP ỨNG SỰ QUAN TÂM CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN CẢ NƯỚC

04/06/2024

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 4/6: PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THỨ HAI THUỘC LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN MỞ ĐẦU PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn​, Quốc hội tiền hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Sáng 04/6, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội bắt đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến đại biểu chất vấn, tranh luận (trong đó có 39 ý kiến chất vấn và 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận); phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nội dung chất vấn.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Chính sách pháp luật về an ninh nguồn nước được cơ bản hoàn thiện. Chủ động, có kế hoạch, phương án xử lý, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Quản lý và hoạt động của ngành khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.  

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như tài nguyên biển chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất gia tăng. Chính sách, pháp luật về khoáng sản chưa đầy đủ, còn bất cập. Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chưa gắn kết.  

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung:

Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo đảm đúng quy định. Đẩy nhanh chuyển đổi số, sớm hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; phục hồi và phát triển các khu bảo tồn biển, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm. Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông lớn. Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước. Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Bảo đảm hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực xử lý, phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ năm 2025, công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh làm căn cứ để điều hòa, phân phối nguồn nước. Bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn 93 đến 95%.  

Các đại biểu tại phiên chất vấn.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án luật địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm để bảo đảm tiến độ các quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Trong năm 2024, hoàn thành Đề án về điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền).

Đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, áp dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn lao động và thân thiện môi trường. Chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, làm đường giao thông và các lĩnh vực khác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản...

Trọng Quỳnh