Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, công tác dân nguyện thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của QH. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp. Số lượng đơn thư nhiều, nhưng chủ yếu mới chỉ thực hiện việc chuyển đơn; việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn nhiều bất cập, kết quả giải quyết chưa được kiểm tra, theo dõi đầy đủ. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn thiếu cụ thể, việc trả lời cử tri chưa được như mong muốn dẫn đến tình trạng kiến nghị hoặc khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần. Công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri có nơi, có lúc còn hình thức, khuôn mẫu, chưa thực sự phát huy được hiệu quả, chưa thực sự lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của cử tri.
Phó chủ tịch QH lưu ý, trước những yêu cầu đặt ra cho hoạt động của QH trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm vụ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), công tác dân nguyện cần phải tiếp tục đổi mới để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cử tri. Theo đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân nguyện cần tiếp tục bám sát, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của QH cũng như các đề án, nghị quyết của Đảng Đoàn QH, UBTVQH về công tác dân nguyện, công tác tiếp xúc cử tri; bám sát quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, các quy định của Luật Tiếp công dân. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện công tác dân nguyện trong thời gian qua, Hội nghị cần tập trung phân tích, làm rõ các nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân nguyện trong thời gian tới. Và từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, Ban Dân nguyện cần đề xuất những vấn đề cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách; mối quan hệ phối hợp với HĐND, các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là vai trò phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong công tác dân nguyện. Tiếp tục trao đổi về mô hình Ủy ban Dân nguyện của QH trong tổng thể đổi mới tổ chức và hoạt động của QH.