Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự Phiên họp toàn thể lần thứ Mười của Ủy ban Tư pháp

20/01/2014

Chiều 17.1, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ Mười, thẩm tra Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) tại Tòa án nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đến dự.

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, việc ban hành dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án nhân dân là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Từ đó, đáp ứng yêu cầu hình thành cơ chế pháp lý để Chính phủ thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, bảo đảm trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC chặt chẽ, nhanh gọn, khả thi. Tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Cho ý kiến thẩm tra dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án nhân dân, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Pháp lệnh như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời cho rằng, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án nhân dân mang tính chất đặc thù, không phải là quyết định hành chính đơn thuần, nên dự thảo Pháp lệnh cần bảo đảm quy định được tính đặc thù nêu trên nhằm khắc phục các hạn chế trước đây. Bên cạnh đó, các quy định của Pháp lệnh phải bảo đảm tính cụ thể, đơn giản, dễ thi hành, hạn chế tối đa việc phải chờ văn bản hướng dẫn mới được thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, vi phạm hành chính tuy về hình thức đơn giản hơn các hành vi vi phạm khác, song dự thảo Pháp lệnh vẫn cần phải bảo đảm tính chặt chẽ của luật pháp trong xử phạt vi phạm hành chính, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự. Việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC tại Tòa án nhân dân là cần thiết, nhằm nhanh chóng, kịp thời đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính vào cuộc sống; tạo cơ sở pháp lý để tòa án áp dụng trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Từ đó, tạo thuận lợi cho Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và bảo đảm quyền, lợi ích của công dân.

Nguyễn Giang

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác