Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự Diễn đàn pháp luật Hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới

30/01/2015

Ngày 29 - 30.1, tại Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Diễn đàn pháp luật Hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự.

Toàn cảnh Diễn đàn pháp luật hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới

Tại Diễn đàn, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án 2: tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, kể cả nông thôn và đô thị.

Qua phân tích, lập luận, nhiều đại biểu khẳng định, phương án 1: ở địa bàn nông thôn tổ chức 3 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị tổ chức 2 cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ tổ chức UBND, không có HĐND - là không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Bởi lẽ, Điều 113, Hiến pháp năm 2013 quy định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra. Vậy tại sao ở một phường lại không được có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình do mình bầu ra. Có thể giải thích là đã có HĐND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đại diện. Nhưng, theo cách giải thích này, phải chăng không cần có HĐND cấp huyện và cấp tỉnh nữa vì đã có QH?

Thực chất, một trong những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức bộ máy nhà nước ta là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, phải xác định rõ ở đâu có chính quyền địa phương thì ở đó phải có cơ quan đại diện của nhân dân để thực hiện quyền giám sát. Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm: HĐND và UBND.

(Theo Đại biểu Nhân dân)