Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Không được để xảy ra oan, sai

13/04/2015

Ngày 10/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt nhấn mạnh: Mục tiêu của Quốc hội không phải là giảm tình trạng oan, sai mà là không được để xảy ra oan, sai.

Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, trong những năm gần đây, tuy số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, gây bức xúc trong dư luận. Các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013 thì công tác phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân dẫn đến oan, sai chủ yếu do một số bộ phận cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan điều tra buông lỏng trách nhiệm, áp dụng pháp luật máy móc, tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích, yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là cuộc giám sát có ý nghĩa đối với cơ quan nhà nước trong thi hành pháp luật về tư pháp, nếu hệ thống cơ quan tư pháp làm oan, sai thì nghĩa là đã vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền con người, quyền tự do, công bằng và công lý. Theo Chủ tịch, dù chỉ có 1 trường hợp còn oan, còn sai thì vẫn còn nghiêm trọng; “Không được để xảy ra oan, sai” là đúng với Hiến pháp; oan, sai xảy ở đâu thì ở đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng để khắc phục oan, sai thì cần phải nghiêm khắc xử lý những trường hợp đã sai phạm. Quy trình xét xử không được làm nghiêm túc theo trình tự của pháp luật thì mới dẫn đến oan sai. Nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ không có chuyện oan sai. Bởi vậy, chúng ta phải chỉ được ra oan, sai ở đâu, khâu nào? Điều tra, truy tố, hay xét xử? Oan, sai xảy ra ở đâu thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, người chỉ huy, người cán bộ đó phải chịu trách nhiệm, phải có hình thức xử lý nghiêm túc vì "một ngày tại tù thiên thu tại ngoại". Chủ tịch yêu cầu phải chỉ rõ trách nhiệm trong từng khâu một chứ không thể quy trách nhiệm chung. Nếu oan, sai xảy ra ở điều tra thì Công an chịu, ở truy tố thì Viện kiểm sát chịu, ở xét xử thì Tòa án chịu, sai ở đâu thì bộ phận phụ trách ấy, người đảm nhận việc ấy, thủ trưởng chỉ huy việc ấy phải chịu trách nhiệm và phải chịu xử lý nghiêm khắc.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự phải xây dựng trên tinh thần không được để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm; và nếu có oan, sai thì phải đền bù thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch nhận định hệ thống pháp luật của chúng ta còn có điểm chưa hoàn thiện. Bởi vậy, mục tiêu “Không được để xảy ra oan, sai” là một quá trình tiến bộ, văn minh của nền tư pháp nước nhà, đòi hỏi các cơ quan tố tụng không phải tiến bộ, rút kinh nghiệm từ từ mà yêu cầu không được để xảy ra oan, sai. Từ đó, tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan làm công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Nguyễn Phương lược ghi