Kỷ niệm trọng thể 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào

16/08/2015

Sáng 16/8, tại Quảng trường Tân Trào đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và có bài phát biểu.

Dự Lễ kỷ niệm có: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương.

Tham dự, chứng kiến buổi lễ còn có các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các lão thành cách mạng và đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Trước lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dâng hương tại di tích lịch sử Đình Tân Trào; dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc để chỉ đạo việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện lịch sử cách mạng, thể hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, phong kiến, thi hành chính sách 10 điểm của Việt Minh, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.

Đây là thắng lợi lớn của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đánh giá đúng tình hình cách mạng trong nước và thế giới, chớp đúng thời cơ giành chính quyền. Những quyết nghị đại hội thông qua là bước thực thi dân chủ, xây dựng Nhà nước do nhân dân làm chủ, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước theo tư tưởng của Người ngay trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ những quyết sách của Đại hội, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề khởi nghĩa giành chính quyền, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Quốc dân Đại hội Tân Trào sẽ mãi mãi là bài học lịch sử quý báu
để xây dựng một Quốc hội của dân, do dân, vì dân

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trải qua gần 70 năm, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào tiến tới sự ra đời của Quốc hội khóa I đến nay, 13 khóa Quốc hội, nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, Quốc hội đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình đó, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam  thân yêu.

Hoạt động lập hiến, lập pháp ngày càng được đẩy mạnh, Quốc hội đã thông qua 5 bản Hiến pháp tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Công tác giám sát được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc rất nặng nề. Phát huy tinh thần của Quốc dân Đại hội, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước ngày càng phát phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tinh thần Quốc dân Đại hội sẽ mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cần được vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội để xây dựng một Quốc hội của dân, do dân, vì dân, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại buổi lễ, đại diện thế trẻ tỉnh Tuyên Quang phát biểu, hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, tinh thần Quốc dân Đại hội Tân Trào, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, lao động, học tập xứng đáng là tuổi trẻ trên quê hương Cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Sau lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm hỏi một số gia đình cách mạng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hoạt động trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa Tháng 8 tại xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

+ Quốc dân Đại hội Tân Trào là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được ví như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc lịch sử một Quốc hội của nước Việt Nam mới, một cơ quan quyền lực lâm thời tối cao của dân, do dân và vì dân. Quốc dân Đại hội Tân Trào là tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, nay thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đến dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào ở nước ngoài. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội. Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn; quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca; bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Quang Minh; Ảnh: Đình Nam