Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường

10/12/2015

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 43, chiều 11/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường. Tại phiên họp, cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, làm rõ một số nội dung như phạm vi điều chỉnh, cơ cấu tổ chức, nội dung thanh tra, kiểm tra…; đề nghị cân nhắc phương án nâng Pháp lệnh này lên thành Luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp                                         Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của Quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả hoạt động của Quản lý thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đặt ra trong tình hình mới. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường để luật hóa dưới hình thức Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của Quản lý thị trường là rất cần thiết.

Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường là cần thiết, nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề này cũng đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội thảo luận, chất vấn nhiều lần.

Tại phiên họp, cơ bản nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, cần xem xét, cân nhắc, bổ sung một số nội dung trong dự án Pháp lệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại Phiên họp

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Điều 1 của dự thảo còn chưa cụ thể, phạm vi “quản lý hoạt động thương mại, công nghiệp” còn chung chung, khá rộng, dễ dẫn đến việc gây chồng chéo với các lực lượng như thanh tra Bộ Công thương, thanh tra Bộ Y tế… hay dễ trùng lặp với các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm…Phó Chủ tịch nhấn mạnh, việc xác định phạm vi điều chỉnh là đặc biệt quan trọng, do đó cần cân nhắc, làm rõ hơn trong dự thảo.

Về giải thích từ ngữ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu giải thích hoạt động Quản lý thị trường như tại Khoản 1, Điều 3 sẽ giống với cơ quan phòng chống tội phạm, vì vậy cần hiểu nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan này là đảm bảo trật tự pháp luật trong hoạt động thương mại; tiếp đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành khác để phòng chống vi phạm trên lĩnh vực này.

Một số ý kiến khác đề nghị quy định rõ hoạt động kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường ở “lĩnh vực khác khi được cấp có thẩm quyền giao”; cần thể hiện lại khoản 3, Điều 3 về “địa bàn hoạt động của Quản lý thị trường” cho dễ hiểu, dễ nhận biết hơn.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, công chức của lực lượng Quản lý thị trường, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Pháp lệnh quy định chưa rõ về mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường, cần làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng này với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, cần cân nhắc, bàn bạc thêm việc xây dựng lực lượng này theo mô hình hệ thống ngành dọc bởi hiện đang có Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu nhằm thống nhất việc quản lý ở các cấp, các ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần hiểu quản lý thị trường là một trong những nội dung của quản lý nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân. Trong đó, Chính phủ sẽ thống nhất quản lý và giao cho Bộ Công thương triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần quy định cụ thể việc xây dựng lực lượng này như thế nào? Tổ chức bộ máy ra sao? bởi Điều 8 về vị trí, chức năng của Quản lý thị trường còn khá rộng, nhất là cụm từ “trong hoạt động thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác khi được cấp có thẩm quyền giao”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại Phiên họp

Về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, trong thực tiễn, hoạt động kiểm tra diễn ra thường xuyên, do do phải ghi rõ công tác kiểm tra là nhiệm vụ hàng đầu của quản lý thị trường trong đó làm rõ hai chức năng quan trọng: Một là, đảm bảo trật tự pháp luật; Hai là, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; đề nghị làm rõ thêm giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Nhiều đại biểu đề nghị trong điều kiện thị trường phát triển đa dạng, vai trò của quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh cho phù hợp nên các quy định về thanh tra, kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường cần linh hoạt, giảm bớt các thủ tục “cứng nhắc” về hành chính, xử lý kịp thời các phát sinh; cần nhấn mạnh hoạt động kiểm tra thường xuyên để đấu tranh phòng, chống các vi phạm đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng lĩnh vực quản lý thị trường có liên quan đến hai nhóm đối tượng là công chức Quản lý thị trường và các tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quản lý thị trường, do đó cần rà soát theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật liên quan để phù hợp với các vấn đề về quyền con người, quyền công dân, tăng khả năng minh bạch trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh các nội dung trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Pháp lệnh cần làm rõ hơn vấn đề trong công tác phối hợp hoạt động kiểm tra Quản lý thị trường với các cơ quan, tổ chức, lực lượng hữu quan, Ủy ban nhân dân các cấp; làm rõ hơn việc bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường; đề nghị Ban soạn thảo cần tập trung cân nhắc, xem xét, tiếp thu các ý kiến mà đại biểu phát biểu, đặc biệt là quy định về phạm vi điều chỉnh; đề nghị cân nhắc việc nâng Pháp lệnh Quản lý thị trường lên thành Luật Quản lý thị trường.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ mong muốn, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường, tiếp đó sẽ xây dựng, ban hành Luật trong thời gian tới.

Quang Minh