Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước

19/02/2016

Chiều 19/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày báo cáo tại phiên họp                   Ảnh: Đình Nam

Theo dự thảo báo cáo, trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội..., thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội đồng lý luận Trung ương; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, tập trung vào chế định Chủ tịch nước. Sau khi Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan, tổ chức công bố lệnh của Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước xây dựng Kế hoạch triến khai thi hành Hiến pháp, tập trung vào việc triển khai thi hành Chương VI - Chủ tịch nước; rà soát lại các quy chế phối hợp công tác đã ban hành; xây dựng, ký và triển khai thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước với một số cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Quốc hội.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã trực tiếp tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự thảo luật, pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 100 luật, 10 pháp lệnh và 21 nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua, đồng thời chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nhiều văn bản pháp luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhưng bên cạnh đó, cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm khi được thông qua, các văn bản luật, pháp lệnh có tính khả thi cao, hạn chế tối đa tình trạng luật đã được ban hành nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn.

Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm tình hình mọi mặt của đất nước; làm việc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, cộng tác viên về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020; đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; chiến lược biển; ứng phó với biến đổi khí hậu; cải cách tiền lương; nông lâm trường quốc doanh; tình hình quốc phòng  an ninh; tình hình biển Đông; quan hệ của Việt Nam với một số nước trên thế giới và khu vực; những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm...

Trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, cụ thể đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp: nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; nghiên cứu, góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và một số luật có nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp; xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng. Chủ tịch nước cũng dành nhiều thời gian kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác cải cách tư pháp tại địa phương, cơ sở.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước luôn quan tâm, góp phần chỉ đạo mọi mặt công tác, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng- an ninh trong tình hình mới. Chủ tịch nước đã tham dự và có ý kiến tại các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; định kỳ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh.

Trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước cũng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tích cực triển khai chương trình công tác đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng… 

Thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chủ tịch nước, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí đánh giá cao việc chuẩn bị công phu, đầy đủ, điểm hết mặt công tác, hoạt động thuộc chức trách của Chủ tịch nước theo quy định Hiến pháp, pháp luật với các số liệu cụ thể.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Báo cáo đã nêu được những đóng góp hết sức quan trọng của Chủ tịch nước theo Hiến pháp và pháp luật quy định. Tuy nhiên, Báo cáo cần phải làm nổi bật hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu và thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong công tác đối nội và đối ngoại. Báo cáo không cần dài, nhưng phải có tính khái quát cao, làm toát lên được vai trò quan trọng của Chủ tịch nước qua một nhiệm kỳ; đồng thời, nêu lên được thông điệp về vai trò của Chủ tịch nước cho các thế hệ sau kế thừa.

Đặng Mai