Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường

08/03/2016

Sáng 8/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Có hiệu lực thi hành từ 1/9/2016, Pháp lệnh quy định vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Quản lý thị trường.

Chủ nhiệm Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp                                                          Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường, Chủ nhiệm Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp thứ 43 ngày 10/12/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh, đồng thời khảo sát tại một số địa phương như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Lào Cai và Lạng Sơn và tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự án Pháp lệnh.

Cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường và với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ, hoàn thiện một số nội dung trong dự thảo Pháp lệnh trước khi được thông qua.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, tại Điều 4 về quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường cần đưa thêm đối tượng là Mặt trận và các tổ chức thành viên bởi Chương 7 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường đã nêu đối tượng này; đề nghị xem xét gộp Điều 6 và Điều 37 bởi có nội dung tương đối giống nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị sau khi giao cho Chính phủ xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, cần xem xét quy định chính sách cho đội ngũ quản lý thị trường một cách hợp lý, nhất là chính sách liên quan đến việc hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 4, Điều 5 về việc bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; tại khoản 5, Điều 29 về việc yêu cầu cơ quan kiểm tra cải chính công khai hoặc xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc gây thiệt hại vật chất của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, để minh bạch hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường và tránh trường hợp vi phạm Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức, dự thảo Pháp lệnh phải quy định rõ ràng khoản 3, Điều 17 về hình thức kiểm tra đột xuất của lực lượng Quản lý thị trưởng; điểm c, khoản 1, Điều 31 về biện pháp giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Chủ tịch Ksor Phước cũng đề nghị làm rõ quy định tại khoản 1, Điều 9 về việc tổ chức lực lượng quản lý thị trường ở địa phương cụ thể sẽ đến cấp nào?

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Nhất trí với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, hoạt động Quản lý thị trường sẽ liên quan trực tiếp đến quyền công dân về tự do kinh doanh. Do đó, dự thảo Pháp lệnh cần quy định rõ ràng, cụ thể nhằm tránh vi phạm Điều 33, Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị, dự thảo cần rà soát hai nội dung: Thứ nhất, rà soát lại các quy định để hoạt động Quản lý thị trường không cản trở tới quyền tự do, sản xuất kinh doanh của người dân. Thứ hai, các hoạt động nghiệp vụ Quản lý thị trường phải quy định cụ thể, tránh trường hợp vi phạm quyền con người như việc thu thập thông tin, tài liệu…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị rà soát lại, thể hiện chính xác hơn trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước ở Điều 4 về Quản lý nhà nước đối với lực lượng Quản lý thị trường, Điều 8 về nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường, Điều 40 về trách nhiệm của Bộ Công thương; đề nghị bổ sung cụ thể, chi tiết quy định về 4 ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường; đề nghị rà soát, kiểm tra lại tính hợp hiến trong một số nội dung quy định tại Điều 23 về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc giao cho Chính phủ quy định một số nội dung trong dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường phải trên tinh thần để xây dựng, tăng cường hơn nữa lực lượng này trước yêu cầu cấp thiết của xã hội. Pháp lệnh Quản lý thị trường cần sớm hướng tới mục tiêu xây dựng thành Luật về Quản lý thị trường.

Phát biểu kết luận phần thảo luận về các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật tiếp thu toàn bộ ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Pháp lệnh Quản lý thị trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.

Quang Minh