Cần tiếp tục làm rõ nguyên tắc hoạt động của Đoàn Hội thẩm

09/03/2016

Chiều 8/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhằm kiện toàn tổ chức, bổ sung cơ chế, chính sách đối với đội ngũ hội thẩm trên cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu                 Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục làm rõ các nguyên tắc hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở xác định được địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm, dự thảo Quy chế đã được chỉnh lý để thể hiện rõ các nguyên tắc hoạt động của Đoàn Hội thẩm, đồng thời phân biệt với các nguyên tắc hoạt động của các loại hình cơ quan, tổ chức khác. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm là: các Hội thẩm được bầu hoặc cử để thực hiện nhiệm vụ xét xử, được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch.

Về kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết quy định về kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm; chế độ sử dụng kinh phí của Đoàn Hội thẩm.

Dự thảo Quy chế đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước cần bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Đoàn Hội thẩm từ nguồn ngân sách nhà nước. Hàng năm, khi Tòa án nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí hoạt động cho Tòa án nhân dân các cấp, trong đó có kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân thì đồng thời Tòa án nhân dân tối cao cũng lập dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn Hội thẩm nhân dân. Đối với các Đoàn Hội thẩm quân nhân, khi Bộ Quốc phòng phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí hàng năm thì đồng thời Bộ Quốc phòng cũng lập dự toán kinh phí hoạt động của các Đoàn Hội thẩm quân nhân

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp

Nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận tại buổi làm việc là vai trò và địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho ý kiến, tại điều 3 của dự thảo quy định Đoàn Hội thẩm là tổ chức tự quản, không thuộc về tổ chức chính trị xã hội, cũng không phải Hội. Nhưng với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại điều 5, Đoàn Hội thẩm lại giống như đoàn luật sư, như một tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của các thành viên. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan phải làm rõ, Đoàn Hội thẩm là tổ chức tự quản thì địa vị pháp lý ra sao, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Đoàn Hội thẩm không phải là Hội thì có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm không?

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem xét lại địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm không phải là cơ quan, không phải tổ chức thì không có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm cũng như đánh giá công tác xét xử của Hội thẩm. Đây chỉ là hình thức tổ chức cho Hội thẩm sinh hoạt nên nhiệm vụ, quyền hạn không nên quy định quá nhiều. Bản thân đoàn này không có nhiệm vụ, quyền hạn gì nhiều với hội thẩm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bầu Đoàn Hội thẩm là theo yêu cầu của cơ quan Tòa án nhưng cần cụ thể để dễ thi hành. Dự thảo cũng cần bổ sung chế độ phụ cấp xét xử của Hội thẩm về mẫu trang phục, giấy chứng minh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, đồng bộ với Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc bầu Đoàn Hội thẩm là theo yêu cầu của cơ quan Tòa án nhưng cần cụ thể để dễ thi hành. Không tán thành với quy định phụ cấp xét xử của Hội thẩm lại quy định do Chính phủ ban hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải quy định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mới phù hợp, đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. 

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp                                             Ảnh: Đình Nam

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cơ quan soạn thảo cần lấy thêm ý kiến của Chính phủ và các cơ quan liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế. Việc xây dựng Đoàn Hội thẩm nên gắn liền với trách nhiệm của Tòa án nhân dân để hướng đến việc xây dựng Tòa án khu vực.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự thảo Nghị quyết trong đó còn có nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất, đồng thuận giữa cơ quan trình dự thảo với cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan. Phó Chủ tịch đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan rà soát, chỉnh sửa để tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sau.

+ Cũng trong phiên họp chiều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.

Vân Ngọc