Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ hai, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 22,5 ngày, trong đó có 1 trong 4 ngày thứ Bảy; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ năm, ngày 20/10/2016 và bế mạc vào năm, ngày 18/11/2016.
Quốc hội sẽ dành 13,75 ngày để xem xét, thông qua 04 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 14 dự án Luật. Đồng thời, Quốc hội dành 7,75 ngày để xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Quốc hội xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.
Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường trong 2,5 ngày.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 2 việc xem xét kế hoạch tài chính 5 năm; đồng thời xem xét lại trình tự thảo luận và thông qua, nên đưa kế hoạch tài chính 5 năm lên đầu kỳ họp... vì kế hoạch này rất quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong 14 dự án luật đưa ra tại Kỳ họp thứ hai, có nhiều dự án luật còn ý kiến khác nhau ví dụ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,... nên cần để nhiều thời gian hơn để xem xét thật kỹ các dự án Luật này; đề nghị trong thời gian gần hai tháng chuẩn bị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban nên có báo cáo hàng tuần đề xuất để Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chỉ đạo, đảm bảo kỳ họp tới thực hiện xem xét được hết nội dung trong chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho rằng, chất lượng dự thảo Luật và thời gian gửi dự thảo Luật là rất quan trọng để làm nên một Bộ luật tốt. Vì thế, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ khi Ủy ban có ý kiến trả lại dự thảo Luật nào mà không đủ chất lượng để xem xét và thẩm tra. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần phải gửi Luật sớm để các Ủy ban có thêm thời gian xem xét kỹ, đảm bảo chất lượng của các đạo luật.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, chỉ còn hơn 1 tháng mà khối lượng công việc tại Kỳ họp thứ hai là vô cùng nhiều và khó khăn phức tạp, nếu không có kế hoạch và giải pháp phù hợp thì rất khó thực hiện. Phó Chủ tịch đề nghị bố trí thời gian lại cho hợp lý, có mất thời gian cũng phải dành hết mức có thể để thảo luận cho kỹ các dự án Luật đưa vào chương trình kỳ họp, để tăng chất lượng các dự án Luật.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần tăng tính tranh luận trong thảo luận tại kỳ họp thứ hai, tránh việc đọc bài phát biểu mà phải tạo điều kiện cho đại biểu tranh luận, tạo không khí sôi nổi trong kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho rằng, trong kỳ họp thứ hai này, Quốc hội có 14 dự án Luật sẽ cho ý kiến, đây là một khối lượng công việc rất lớn, đề nghị tập trung công tác chuẩn bị để có thể thực hiện tốt các nội dung. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội sau phiên họp này bắt tay vào rà soát để xem dự án Luật mà Ủy ban mình phụ trách đang nằm ở khâu nào, đôn đốc chặt chẽ để thực hiện, để đảm bảo thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2016.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung đầy đủ các báo cáo mà các đại biểu đang cần nghiên cứu vào chương trình Kỳ họp thứ hai, ví dụ: Giải quyết khắc phục hậu quả Formosa và các dự án lớn đang đắp chiếu mỗi ngày lỗ bao nhiêu như dự án Bô xít Tây Nguyên... vì đây là tâm điểm nhiều cử tri quan tâm trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải bố trí thời gian hợp lý cho những Bộ luật quan trọng như Bộ luật Hình sự cần tăng thời gian xem xét thảo luận để đảm bảo chất lượng. Bộ luật nào cần thảo luận vào đầu kỳ họp và thông qua cuối kỳ họp thì cần phải bố trí hợp lý. Đồng thời, nhanh chóng thành lập các nhóm Nghị sĩ hữu nghị với các nước và nhóm Nữ nghị sĩ để cho ra mắt ngay Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Văn phòng Quốc hội hoàn thiện lại báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp và việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 2. Sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung lực lượng chuẩn bị các nội dung tốt nhất có thể để Kỳ họp thứ 2 thành công tốt đẹp.