Khai mạc Phiên họp thứ ba Ủy ban thường vụ Quốc hội

12/09/2016

Sáng 12/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ ba.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                         Ảnh: Đình Nam

Dự kiến diễn ra từ ngày 12/9 đến ngày 22/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật thủy lợi; dự án Luật đường sắt (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; dự án Luật quản lý ngoại thương;  dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); dự án Luật quy hoạch; dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật du lịch (sửa đổi); dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản; Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đặc biệt, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; Cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.

Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủy lợi. Dự thảo Luật Thủy lợi được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, nội dung dự thảo cơ bản thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thủy lợi như quan điểm xã hội hóa công tác thủy lợi, chuyển từ cơ chế quản lý thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi để hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu; đáp ứng yêu cầu quản lý thủy lợi hiện nay.

Dự thảo Luật gồm 9 chương 72 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về thủy lợi; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Trong đó, dự án Luật Thủy lợi có một số điểm mới như quy định giá dịch vụ thủy lợi để đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành về phí và lệ phí đồng thời thực hiện theo cơ chế giá; dự thảo Luật quy định về xã hội hóa trong đầu tư, khai thác công trình thủy lợi theo hướng khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân đầu tư, tham gia xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủy lợi. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, ban hành Luật Thủy lợi là thực sự cần thiết trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, tổng kết tình hình thực tiễn, đánh giá tác động của dự án Luật. Đồng thời, quan điểm xây dựng luật phải bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật có liên quan như Luật tài nguyên nước, Luật điện lực, Luật xây dựng, Luật đê điều, Luật giao thông đường thủy nội địa…, bảo đảm hiệu quả sử dụng công trình, tiết kiệm nguồn nước và quỹ đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa được quy định một cách rõ ràng, cần tiếp tục được rà soát, quy định chi tiết, cụ thể trong Luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật hiện hành.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp

Xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật thủy lợi là hoạt động thủy lợi, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là chưa thực sự rõ ràng và bao quát hết các nội dung về bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến thủy lợi.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo Luật như quản lý các công trình thủy điện, hợp tác quốc tế... thì dự án Luật sẽ có xu hướng giống với Luật tài nguyên nước. Luật Thủy lợi đi sâu và những vấn đề Luật tài nguyên nước chưa điều chỉnh như đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác các công trình thủy lợi, vấn đề giá dịch vụ thủy lợi, điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi. Các quy định của dự thảo Luật đều bảo đảm phù hợp với Luật tài nguyên nước và quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước.

Tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, bên cạnh nội dung khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được nâng cấp từ Pháp lệnh, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung cần thiết khác như điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong hoạt động thủy lợi, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định với các nội dung chính như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nội dung của dự thảo Luật Thủy lợi liên quan đến nhiều luật chuyên ngành nhưng các quy định lại chưa thực sự thống nhất như quy định liên quan đến quy hoạch đất trong Luật đất đai, vấn đề hợp tác quốc tế trong Luật tài nguyên nước....Vì vậy, dự thảo luật cần được rà soạt kỹ lưởng để bảo đảm yêu cầu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, luật không quy định trùng lặp các vấn đề đã có luật điều chỉnh và nếu có đề cập thì không được trái với các quy định hiện hành.

Xem xét chuyển cơ chế thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi

Tờ trình về dự án Luật Thủy lợi của Chính phủ nêu rõ một trong những chủ trương, chính sách được thể chế hóa trong dự thảo Luật chính là chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để thay đổi nhận thức coi công tác thủy lợi mang tính phục vụ sang tính dịch vụ, đưa hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ thủy lợi, coi việc chi trả dịch vụ thủy lợi là một chi phí đầu vào trong sản xuất, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả dịch vụ, đặc biệt việc sử dụng nước tiết kiệm.

Về vấn đề này, đa số ý kiến bày tỏ nhất trí và cho rằng chủ trương này góp phần bảo đảm hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình thủy lợi. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền, các loại hình dịch vụ thủy lợi, quy định về giá, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thuỷ lợi; bổ sung hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng miễn giảm trong trường hợp ở đó không có công trình thuỷ lợi của Nhà nước; bổ sung khoản chi đền bù thiệt hại theo hợp đồng cho các bên liên quan; chi phí phạt khi vi phạm quy định về vận hành khai thác công trình thuỷ lợi...

Cho rằng đánh giá tác động về việc chuyển từ thuỷ lợi phí sang giá dịch vụ thuỷ lợi chưa rõ, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh đặt vấn đề, Ban soạn thảo đã tính tới quan điểm của người dân, đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của điều luật, khi chuyển từ “phục vụ” sang “dịch vụ” đối với công tác thủy lợi hay chưa và đề nghị phải làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng. Đồng thời, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân sẵn sàng chấp nhận chuyển từ phí sang giá.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, tổng chi phí để làm nông nghiệp hiện nay là cao so với thu nhập của người nông dân nên cần nghiên cứu tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ khi chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ; nhấn mạnh, chủ trương được thể chế hóa phải thực sự phải giúp người dân chứ không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước; đề nghị trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thủy lợi cũng cần làm rõ, “không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn, với những công trình thuỷ lợi nhỏ, nội đồng, người dân đã đóng góp, bỏ tiền đầu tư rồi thì việc cung cấp dịch vụ giá sẽ như thế nào để tạo sự đồng thuận cũng như đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, phải cam kết có đền bù tránh khi hạn hán lại đổ tại trời.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Chưa phân định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước

Nhấn mạnh công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng đến an ninh quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc mất an toàn các công trình thủy điện sẽ là một thảm họa. Lấy ví dụ từ sự cố thủy điện sông Tranh là một bài học trong việc làm rõ trách nhiệm đã khó, quy trách nhiệm còn khó hơn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội dự thảo Luật mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý nhà nước vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn và một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư... Vì vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng nếu chỉ dừng như quy định trong dự thảo thì chưa tạo đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề nhập nhằng, chồng chéo chức năng và vấn đề thực tiễn và đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình kỹ từng ý kiến trong báo cáo thẩm tra để đưa ra mô hình quản lý phù hợp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các Bộ ngành, nhất là 3 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên- Môi trường, Công Thương cũng như của tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt là vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung, chỉnh lý và làm rõ nhiều nội dung như về quản lý đầu tư, quy hoạch các công trình thủy lợi đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt chú ý đến hệ thống thủy lợi, trong đó có phân loại đầu mối nguồn nước, kênh dẫn, nội đồng; lộ trình trong việc tính giá dịch vụ thủy lợi; việc xã hội hóa đầu tư vào thủy lợi cần có chính sách cụ thể liên quan đến đất đai, tài chính, tín dụng....; phân định rõ đối với loại công trình nào thì xã hội hóa, công trình nào thì không. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề đảm bảo nước tưới, tiêu, tự do kinh doanh trồng trọt, những thiệt hại, quản lý nước đến công trình thủy lợi nội đồng; mối quan hệ thủy lợi, thủy điện; trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng; về hợp tác quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khi chuyển sang tính giá dịch vụ thủy lợi để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới.

Bảo Yến