Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ năm 2006

13/09/2016

Sáng 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình tại phiên họp                         Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật chuyển giao công nghệ đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ khiến cho Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam, cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ hay các quy định về biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ còn dừng ở mức các tuyên bố chung của Nhà nước. Vì vậy, chưa mang lại tác động cụ thể đối với đời sống kinh tế- xã hội.

Đồng thời, với bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.

Dự thảo Luật tập trung vào 5 nội dung chính liên quan đến 16 Điều trên tổng số 61 Điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 gồm phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ và một số vấn đề khác.

Đồng thời, Ban soạn thảo cũng bổ sung một số nội dung mới như đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh; thành lập các Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế; cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với một số cơ quan có liên quan trong việc chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng nhấn mạnh cần thiết phải sửa đổi Luật Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH và CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH và CN trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 là chưa thể đáp ứng. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Bên cạnh xem xét cho ý kiến về hầu hết các điều của dự thảo Luật (16 điều) thì báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề cập đến nội dung của hơn 20 điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung có liên quan đến quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN, NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Ngoài ra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu: vấn đề cần được làm rõ và giải quyết trong luật chính là khó khăn trong chuyển giao công nghệ trong nước giữa các Viện, trường nghiên cứu với doanh nghiệp; vai trò của tổ chức trung gian kết nối chuyển giao công nghệ được xác định như thế nào và thực tiễn hoạt động thời gian qua; vấn đề hỗ trợ phát triển vườn ươm công nghệ gắn với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tán thành với đề xuất của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi phải giải quyết được những bất cập được nêu ra trong tờ trình và tổng kết thi hành luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa đổi một phần hay toàn diện luật thì cũng đều phải giải quyết được những mâu thuẫn trong quá trình quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ, vừa kiểm soát được công nghệ vừa tạo môi trường thông thoáng để phát triển thị trường chuyển giao công nghệ; yêu cầu dự thảo luật phải làm rõ được những chính sách đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phạm vi sửa đổi của luật cần bao quát toàn diện hơn trong đó kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, khắc phục bất cập hạn chế đang tồn tại, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với tình hình, yêu cầu của đất nước hiện nay, cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 20 tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, phải giải quyết được bài toán không để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong kiểm soát công nghệ, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường chuyển giao công nghệ.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, cần rà soát chặt chẽ, xem xét sửa đổi một cách toàn diện Luật chuyển giao công nghệ và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình hai kỳ họp.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đất nước đang đứng trước thử thách lớn là sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân an ninh, trật tự xã hội. Vấn đề này cần được nghiên cứu tập trung giải quyết một cách toàn diện và căn bản trên cơ sở định hướng phát triển đồng thời tôn trọng quy luật thị trường và của nhà đầu tư. Dự thảo luật phải làm rõ các quy định cấm, các công nghệ hạn chế chuyển giao và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Cơ chế chính sách hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ cần có để tạo ra đột phá nhưng phải được tính toán kỹ lưỡng và cụ thể ngay trong luật, đồng thời phải bảo đảm hỗ trợ hợp lý, tránh lĩnh vực nào cũng hỗ trợ tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Các quy định về chống chuyển giá, thẩm định giá, kiểm toán được quy định trong luật là rất cần thiết nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 với phạm vi sửa đổi toàn diện và tên gọi là Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), giao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp để hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp. Nội dung của dự thảo luật cần phải cụ thể hóa nghị quyết Trung ương về khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ, các quy định về khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao công nghệ, không thành lập mới các trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ, tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm soát công nghệ chuyển giao đồng thời bảo đảm quy luật thị trường và phát triển thị trường chuyển giao công nghệ.

Bảo Yến