Không nên thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý

20/09/2016

Chiều 20/9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật                                                 Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết xây dựng Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Luật trợ giúp pháp lý 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. Tuy nhiên hoạt động trợ giúp pháp lý cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như diện người được trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ; hoạt động trợ giúp pháp lý đang lẫn lộn với các hoạt động khác, nhiều lúc trợ giúp pháp lý được thực hiện một cách dàn trải, thậm chí còn mang tính chất phong trào; chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, chưa chuyên nghiệp;tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý còn cồng kềnh, hiệu quả xã hội hóa còn hạn chế; quy trình, thủ tục tiếp nhận và thực hiện trợ giúp pháp lý chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015- 2025 thì việc nghiên cứu, sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý là cần thiết.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật trợ giúp pháp lý như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, trong dự án Luật đề cập đến nhiều quan điểm, chính sách mới nhưng việc thể hiện các quan điểm, chính sách đó trong các quy định của dự thảo Luật còn chưa đủ rõ, chưa thống nhất với các văn bản luật khác và thiếu tính khả thi.

Không mở rộng quá nhiều nhưng cũng không nên thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý

Theo tờ trình của Chính phủ dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) bổ sung một số người được trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành. Song, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, không thống nhất và thực chất là thu hẹp hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với các luật hiện hành.

Dự thảo Luật chỉ quy định lựa chọn một số nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý như: người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị buộc tội, nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, các Luật người khuyết tật 2010, Luật phòng, chống mua bán người 2011, Luật trẻ em 2016 không giới hạn đối tượng được hưởng quyền mà chỉ quy định cụ thể những hình thức trợ giúp pháp lý hoặc các vụ việc, lĩnh vực cụ thể mà những đối tượng này được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, đề nghị luật hóa tất cả những đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định trong các luật hiện hành, bảo đảm quyền công dân được ghi nhận và quy định một cách thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng Nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm lo, bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy quy định như trong dự thảo luật dường như đã hạn chế nhiều đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý từ phía Nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát đề có những số liệu chính xác về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đánh giá tác động các quy định của dự thảo Luật, trên cơ sở đó có căn cứ xác định phạm vi đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Theo Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Ban soạn thảo xem xét không mở rộng quá nhiều nhưng cũng không nên thu hẹp đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

Cũng cho rằng đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định như trong dự thảo Luật là thu hẹp so với nhiều luật liên quan như Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng chống mua bán người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, rà soát để bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý

Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của tổ chức, cá nhân chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, tăng thêm cơ hội, khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân, giảm bớt gánh nặng công việc lên các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật được xây dựng bảo đảm mục tiêu tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng các quy định của dự thảo luật chưa thực sự khuyến khích xã hội hóa hoạt động tư pháp, chưa phát huy vai trò của các tổ chức, các nhân có khả năng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật chỉ ra rằng, cùng với việc quy định tiêu chuẩn hóa đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ở mức cao (tương đương tiêu chuẩn của luật sư) (Điều 18), dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về các điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 12 và Điều 17), đồng thời bỏ chế định “cộng tác viên”, thu hẹp phạm vi người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vụ việc trợ giúp pháp lý không chỉ phát sinh ở các trung tâm nơi có đông số lượng luật sư, tư vấn viên pháp luật mà còn phát sinh ở những vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế. Nếu không còn chế định cộng tác viên thì hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dân ở những vùng này sẽ rất khó khăn. Đồng thời, việc quy định như như trong dự thảo Luật sẽ không cho phép những người am hiểu pháp luật có đủ điều kiện làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý như hiện nay được tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần cân nhắc đối với quy định về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý nâng lên quá cao, tương đương tiêu chuẩn luật sư, là đang thu hẹp phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân.

Cho biết có đến 93% các vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ ở mức tư vấn pháp lý, còn các vụ việc tham gia tố tụng chiếm tỉ lệ ít, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, với mỗi hình thức trợ giúp pháp lý với mức độ phức tạp khác nhau, đòi hỏi những tiêu chuẩn khác nhau không thể quy định đồng loạt tiêu chuẩn cho tất cả đối tượng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý đều ở mức độ quá cao, sẽ hạn chế đối tượng tham gia. Vì vậy cần nghiên cứu xem xét để quy định đối với mỗi hoạt động trợ giúp pháp lý cần có những tiêu chuẩn phù hợp vừa bảo đảm chất lượng vừa thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Bảo Yến