Toàn văn bài phát biểu của CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất AIPA- 37

30/09/2016

Ngày 30/9, Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA- 37) đã diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw, Cộng hòa Liên bang Myanmar. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Phiên họp và có bài phát biểu quan trọng. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu Toàn văn bài phát biểu như sau:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất AIPA- 37

Thưa Ngài Man  Uyn  Kha-inh  Than, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA-37,

Thưa Bà A-ung Xan  Xu Chi, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma,

Thưa các công dân ASEAN,

Thưa các quý vị đại biểu,

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng tới Ngài Chủ tịch, Bà Cố vấn và tất cả các Quý vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Nghị viện thành viên AIPA, Tổng thư ký IPU, Tổng thư ký ASEAN, các vị đại biểu và thông qua các quý vị chuyển những tình cảm hữu nghị nồng thắm của nhân dân Việt Nam tới Quốc hội và những công dân khác của ASEAN. Chúng tôi trân trọng cám ơn sự đón tiếp trọng thị của Quốc hội nước Chủ nhà dành cho Đoàn Việt Nam tại thành phố Nay Pi Tô, đất nước Mi-an-ma tươi đẹp.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý vị,

Một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình an ninh chính trị bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tranh chấp lãnh thổ và biên giới, an ninh hàng hải và các mối thách thức an ninh phi truyền thống; tốc độ phát triển kinh tế chậm lại và bất ổn định. Mặc dù vậy, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng chứng tỏ là một khu vực quan trọng, duy trì được sự ổn định và tiếp tục là động lực phát triển chính của nền kinh tế thế giới.

Tại châu Á, Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, trở thành một nhân tố tích cực định hình cấu trúc khu vực, tăng cường kết nối và gắn kết lợi ích. Trong tiến trình phát triển của mình, đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng, Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khẳng định vai trò trung tâm trong giải quyết mọi vấn đề khu vực. Mặc dù chúng ta nhấn mạnh tính đa dạng trong ASEAN, chúng ta cần tôn trọng xu hướng phát triển chung và ý kiến đa số của các thành viên ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đồng thời hài hòa với lợi ích chung của ASEAN. Đó là những nguyên tắc then chốt vì hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý vị,

Một mặt, chúng ta hài lòng ghi nhận những thành tựu to lớn của các quốc gia thành viên ASEAN giữ vững hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Mặt khác, chúng ta cũng cần bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thách thức chung như nạn khủng bố, tình hình ở biển Đông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu v.v. Chúng tôi hoan nghênh kết quả các Hội nghị ASEAN, trong đó có Hội nghị Ngoại trưởng AMM-49, nhấn mạnh các các giải pháp hòa bình đối với vấn đề biển Đông, trong đó tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chung đã được ASEAN và các bên thông qua như Tuyên bố chung DOC và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Gần 50 năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy ASEAN đã tiến một bước dài, vượt lên những trở ngại khó khăn lịch sử, từ một hiệp hội của 5 quốc gia đã trở thành một Cộng đồng với 10 thành viên, và quan hệ đối ngoại được mở rộng. Ngày hôm nay, chúng ta, những công dân ASEAN đang gánh vác một trọng trách là xây dựng một Cộng đồng ASEAN tiến bộ. Một Cộng đồng dựa trên luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, vận hành trên cơ sở pháp luật, đoàn kết, hợp tác, đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh mới. Một Cộng đồng kinh tế đủ thành phần, hội nhập cao, gắn kết, cạnh tranh, toàn diện và năng động; đảm bảo an sinh xã hội, quyền con người, kiên định phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Đó là cái đích cuối cùng mà chúng ta đang nỗ lực vươn tới.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Trên chặng đường đó, AIPA, với vai trò là một tổ chức liên nghị viện khu vực sẵn sàng đoàn kết và đồng hành cùng ASEAN. Gần 40 năm kể từ khi chính thức được thành lập, AIPA cũng đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng thành viên, củng cố cơ chế hợp tác cũng như ủng hộ sát sao tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Từ nền móng vững chắc đó, chúng ta cần tiếp tục đưa AIPA phát triển mạnh mẽ hơn. Một AIPA sống động là một AIPA đoàn kết, dân chủ, thống nhất, tuân theo luật lệ; hài hòa pháp luật, hỗ trợ lẫn nhau; thu hẹp khoảng cách pháp lý; không ngừng đổi mới hoạt động. AIPA cần tiếp tục thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên thực hiện các cam kết khu vực phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2025; đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân vào các hoạt động này. AIPA cũng tăng cường vai trò giám sát thực thi các kế hoạch hợp tác nội khối cũng như thực thi chính sách hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài trong giải quyết các vấn đề của khu vực.

Vì lẽ đó, tôi xin hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch AIPA-37 đã nêu lên những nhiệm vụ của AIPA trong việc thúc đẩy quá trình phát triển của Cộng đồng ASEAN. Quốc hội Việt Nam, với vai trò và trọng trách của mình, hoàn toàn ủng hộ chủ đề “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ, Chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA-37 lần này và sẽ thực hiện đầy đủ các Nghị quyết mà Đại hội đồng AIPA-37 quyết định.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý vị đại biểu,

Chúng tôi, các Đại biểu Quốc hội khóa XIV của Việt Nam, được bầu vào ngày 22/5/2016 là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì một đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập. Tôi xin khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước; tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; cùng góp phần định hình và đổi mới các quy trình hoạt động của AIPA, hợp tác vì một AIPA sống động, một ASEAN tiến bộ. Với tinh thần đó, tôi mong muốn AIPA quan tâm một số vấn đề cụ thể như sau:

   Một là, đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đoàn kết, thống nhất chung tay gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực; tích cực triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025;  

Hai là, phối hợp triển khai Chương trình nghị sự ASEAN về môi trường bền vững và biến đổi khí hậu sau 2015, sớm thông qua và sẵn sàng thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về hợp tác môi trường giai đoạn 2016-2025;

Ba là, thúc đẩy Kế hoạch Hành động Chiến lược của ASEAN đối với Sự phát triển của Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đặc biệt thúc đẩy sự phát triển của các SMEs trong việc tham gia và tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao năng lực cho các doanh nhân trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và thị trường, tiếp cận những công nghệ phù hợp và thân thiện với môi trường;

Bốn là, tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin trong ASEAN, khu vực và toàn cầu, hợp tác với các đối tác đối thoại để tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm nâng cao năng lực quốc gia thích ứng với thời đại Khoa học-Công nghệ mới (4.0) và ứng phó với các thách thức an ninh mạng.

Năm là, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của ASEAN và việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân tham gia tiến trình xây dựng bản sắc chung ASEAN và Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thành lập AIPA trong năm 2017.

Sáu là, AIPA nói chung và các Nghị viện thành viên AIPA nói riêng tạo thuận lợi đối với việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện pháp lý của ASEAN, đẩy nhanh phê chuẩn và hỗ trợ thực hiện các văn kiện hợp tác của khu vực và tích cực tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội luật phù hợp.

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự chủ trì của Ngài Chủ tịch, sự hợp tác chặt chẽ của quý vị nghị sỹ các nước và sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, Đại hội đồng AIPA-37 sẽ thành công tốt đẹp.

Chúc AIPA phát triển ngày càng vững mạnh!

Chúc khu vực ASEAN tiếp tục ổn định và phát triển bền vững!

Kính chúc Ngài Chủ tịch, Bà Cố vấn và các vị Trưởng đoàn, các vị đại biểu có nhiều sức khỏe và thành công trên trọng trách của mình!

Xin trân trọng cảm ơn.

Cổng TTĐT Quốc hội

Các bài viết khác