Chất lượng xây dựng pháp luật phải được đặt lên hàng đầu

06/10/2016

Chiều 6/10, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2                          Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp này là 24 ngày làm việc, trong đó Quốc hội làm việc 02 ngày thứ bảy và dự kiến bế mạc vào ngày 19/11/2016.

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 04 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 12 dự án luật: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch.

Về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Quốc hôi sẽ xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017; Xem xét báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Xem xét, quyết định kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; Xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020;

Đồng thời, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông; Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày. Quốc hội dự kiến rút 02 dự án Luật: Dự án Luật công an xã và Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ra khỏi nội dung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, một số thành viên đề nghị sắp xếp lại về thời gian cho phù hợp với nội dung của các cuộc thảo luận.

Về việc trình các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 2, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần phải thực hiện đúng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của các Luật có liên quan, không trình ra Ủy ban Thường vụ và Quốc hội những dự án Luật chưa đủ điều kiện để tránh gây mất thời gian và giảm chất lượng luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng quốc Hiển cho rằng, Quốc hội là cơ quan lập pháp, nên phải thực hiện theo đúng quy định của Luật, không thể du di trong xây dựng Luật. Có những luật không đúng thủ tục, quy trình, không được phép thẩm tra khi không đúng thời gian; thực hiện nghiêm, cái gì chưa chuẩn bị kỹ thì không đưa ra trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, yêu cầu trong công tác xây dựng pháp luật là chất lượng, luật ra phải có tính khả thi chứ không phải chạy theo thời gian, không phải chỉ cần nhanh. Chất lượng xây dựng luật là cái quan trọng hàng đầu.

Về việc rút ra hai dự án Luật, Quốc hội đề nghị Chính Phủ có báo cáo giải trình đầy đủ lý do vì sao lại rút ra; tất cả các dự án Luật sửa đổi nói chung đề nghị giữ nguyên đúng kỷ cương làm việc theo quy định của pháp luật; đề nghị về sau, nếu có dự án Luật nào chưa đủ hồ sơ, chưa đúng quy trình thì cơ quan thẩm tra phải báo cáo luôn là chưa đủ điều kiện trình để không làm mất thời gian của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian thảo luận tại Hội trường, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Quốc hội nên tạo điều kiện hết sức có thể để cho tất cả các đại biểu đăng ký phát biểu tại Hội trường được quyền phát biểu, đặc biệt là trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, được dư luận cử tri đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cử tri rất quan tâm đến thảo luận kinh tế- xã hội và chất vấn, vì đó là linh hồn của hoạt động đại biểu quốc hội để cử tri quan tâm đánh giá; Quốc hội nên tạo điều kiện tối đa, ai đăng ký là phải được phát biểu ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, có thể đổi mới ngay tại Kỳ họp thứ 2 này, là căn cứ vào số lượng đại biểu đăng ký tại các phiên họp để rút ngắn dần thời gian phát biểu của một đại biểu, đảm bảo cho các đại biểu sau đều được phát biểu dù thời gian phát biểu ngắn hơn.

Về vấn đề Bộ trưởng phải giải trình về các dự án Luật trước Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị vẫn giữ quy định này, để đảm bảo các Bộ trưởng nắm vững được toàn bộ dự án Luật và sâu sát với dự án Luật, đảm bảo dự án Luật có chất lượng cao. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, nếu các Bộ trưởng gặp khó khăn trong giải trình thì có thể cho phép sự hỗ trợ, nhưng nhất quyết phải có giải trình trước Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Về Luật sửa đổi một số điều của Luật đầu tư kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chọn ra một số vấn đề quan trọng, cần thiết nhất để xem xét, tháo gỡ kịp thời những ách tắc quan trọng trong đầu tư kinh doanh. Về hiệp định TTP thì do Chủ tịch nước chưa trình nên Quốc hội chưa xem xét tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Về cách thức tiến hành kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sắp xếp lại chương trình theo ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời gian rút ngắn hay kéo dài của từng vấn đề, cụ thể, là tăng thời gian thảo luận về kinh tế- xã hội lên để đáp ứng các đại biểu đều được phát biểu; đồng thời, cho tất cả các đại biểu đều được hỏi hết, còn Bộ trưởng trả lời, giải trình được đến đâu trên hội trường, phần còn lại phải gửi giải trình bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, không nên tổ chức họp vào ngày thứ 7, để cho các Ủy ban hoạt động và các đại biểu cũng phải hoàn thành các công việc chuyên môn của mình; kéo dài kỳ họp ra ngày thường và kết thúc ngày 22/11 như dự kiến ban đầu.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho báo chí hoạt động trong kỳ họp, tuy nhiên, yêu cầu báo chí phải tuân thủ và thực hiện nghiêm mọi kỷ cương, quy định của Quốc hội đối với báo chí. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, báo chí tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Quốc hội; mong muốn báo chí có những thông tin bình luận đúng bản chất sự việc, tránh giật gân câu khách tạo dư luận không tốt, gây bất lợi cho Quốc hội, đất nước. Báo chí có đưa tin phải lợi cho nhân dân, đất nước thì mới là báo chí cách mạng.

Đặng Mai