Cải cách bộ máy hành chính nhà nước- khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện

22/02/2017

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XIV, ngày 22/2 tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Cải cách bộ máy hành chính nhà nước- khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện”. Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo.

Tham gia Hội thảo còn có: Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố...

 

Phó Chủ tịch Quộc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến tại Hội thảo                                 Ảnh: Đình Nam

Khung chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước ngày càng được hoàn thiện

Các tham luận tại hội thảo chỉ rõ, trong giai đoạn 2011- 2016, Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến công tác cải cách hành chính nhà nước. Cụ thể, đã có 10 văn kiện của Đảng đề cập đến nội dung cải cách hành chính nhà nước. Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật với chất lượng ngày càng cao, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Liên quan đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ngoài Hiến pháp, Quốc hội các nhiệm kỳ đã ban hành Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật tổ chức chính quyền đại phương và nhiều nghị định khác. Chính phủ, thủ tướng Chính phủ đã ban hành 142 nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 50 thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.

Cơ cấu tổ chức các bộ, ngành ngày càng tinh gọn

Một trong nhưng nội dung quan trọng của cải cách bộ máy hành chính là sắp xếp, điều chỉnh các bộ và các cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân theo hướng tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thu gọn đầu mối; khắc phục được nhiều sự chồng chéo, giao thoa, trùng dẫm về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau. Hơn nữa, Luật tổ chức Chính phủ 2015 đã quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, luật còn quy định về số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng… Với những quy định này, khẳng định tinh thần cải cách bộ máy hành chính đã được thể hiện trong các giải pháp lập pháp của Quốc hội, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thảo luận tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng việc sắp xếp thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ. Không chỉ thế, việc hình thành các bộ đa ngành cũng chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ; mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung nhưng lại có xu hướng phình to thêm các biên chế hành chính ở trong cơ cấu các bộ.

Do đó, các đại biểu đề xuất giải pháp tiếp tục điều chỉnh chức năng, cắt giảm mạnh nhiệm vụ của Chính phủ và các bộ, khắc phục được tình trạng quá tải về công việc của các bộ đa ngành hiện nay; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tạo cơ chế tự chủ cho địa phương.

Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Đây là nội dung không kém phần quan trọng trong chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách thủ tục hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính có tác động lớn đến hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính.

Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quy định cụ thể về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tinh giản biên chế đi đôi với cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị; cơ cấu lại cán bộ công chức hợp lý về trình độ chuyên môn, ngạch, chức danh nghề nghiệp và độ tuổi, giới tính và dân tộc; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội.

Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu nhận định, trên thực tế việc quản lý biên chế vẫn còn nhiều tồn tại, đó là một số cơ quan, tổ chức vẫn đề nghị bổ sung biên chế công chức đối với những tổ chức thành lập mới; một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được Trung ương giao hàng năm. Trong khi đó, việc thực hiện tinh giản biên chế thực hiện chậm, chưa đúng kế hoạch, một số cơ quan thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng quy định. Vì vậy, để việc tinh giản biên chế được thực hiện một cách chính xác, hiệu quả,  đại biểu tham dự hội thảo đề xuất giải pháp là các cơ quan, tổ chức đơn vị cần xây dựng đồng bộ Đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản đến năm 2021 để tránh tình trạng tinh giản biên chế thụ động, không đúng đối tượng, không đúng quy định. Đồng thời rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì; chuyển một số nhiệm vụ không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội thảo

Người dân, doanh nghiệp đánh giá hoạt động của bộ máy hành chính ngày càng được cải thiện

Đánh giá của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhằm góp phần thực hiện vai trò của người dân trong công tác giám sát quyền lực nhà nước.

Về vấn đề này, các đại biểu tham dự hội thảo cho biết, qua một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy chất lượng dịch vụ công ngày càng được người dân đánh giá cao. Cụ thể, các cấp chính quyền và từng cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện rà soát các loại thủ tục hành chính, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm mạnh các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Ngoài ra, việc công bố công khai các thủ tục, các loại giấy tờ, biểu mẫu và quy định về thời gian giải quyết, phí và lệ phí giúp người dân nắm rõ về các quy trình hành chính, tạo thuận lợi cho việc thực hiện.

Tuy nhiên, các kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, người dân, các doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng về việc nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai và phân bổ ngân sách của nhà nước chưa được tiếp cận một cách dễ dàng. Do đó, các đại biểu cũng đề xuất ý kiến, việc cải cách bộ máy hành chính cần làm tốt hơn nữa sự minh bạch, công khai các hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

Hồ Hương