Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Lễ trao Bằng "Tổ quốc ghi công"

18/07/2017

Hòa chung không khí cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" bằng trách nhiệm, nghĩa tình và nét đẹp nhân văn, chiều 18/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017) và Lễ trao Bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân các Liệt sĩ được suy tôn. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành. Ngoài ra còn có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương cùng đông đảo thân nhân Liệt sĩ được suy tôn tại buổi lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi Lễ   Ảnh: Trọng Đức

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Lễ trao Bằng "Tổ quốc ghi công" là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất trong tất cả các hoạt động để hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017).

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, chúng ta đã chấp nhận thử thách, vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Để đạt được thắng lợi to lớn đó, hàng triệu chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đã vĩnh viễn không quay trở lại với người thân, với gia đình, quê hương.

Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn chăm lo chính sách người có công để "Đền ơn đáp nghĩa". Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành và thường xuyên được rà soát, bổ sung để ngày càng mở rộng về đối tượng thụ hưởng. Hàng năm, Nhà nước cũng đã xem xét tăng mức độ thụ hưởng, mức phụ cấp ưu đãi phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Nhà nước luôn luôn quan tâm và dành nguồn lực thỏa đáng, các địa phương cũng đã tích cực triển khai thực hiện đúng các các ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật. Cho đến nay, cả nước cơ bản đã xác nhận được các đối tượng người có công. Tuy nhiên, điều băn khoăn trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay là vẫn còn không ít số lượng người có công chưa được xem xét và công nhận do bị thất lạc hồ sơ, không còn hồ sơ, giấy tờ gốc và những người giao nhiệm vụ thực hiện cũng không còn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay cả nước còn đến 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận là người có công, trong đó có 5.900 trường hợp chưa được xác nhận là Liệt sĩ, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh. Để xem xét, xác nhận đối với trường hợp này là rất khó khăn, phức tạp và cần hết sức thận trọng, phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thương binh và xã hội. Thời gian qua, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo thực hiện quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ chặt chẽ gắn trách nhiệm với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Qua đó đã xác nhận được hàng trăm Liệt sĩ, hàng nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả này tuy chưa nhiều nhưng là cơ sở để tiếp tục tiến hành đi đến giải quyết căn bản hồ sơ còn tồn đọng nhằm xác nhận người có công với cách mạng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm sáng tạo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các đơn vị, địa phương đã xác nhận giải quyết các hồ sơ tồn đọng trong chiến tranh để đảm bảo người có công với nước đều được hưởng chính sách của Nhà nước; chia sẻ động viên đến thân nhân các gia đình Liệt sĩ đã được công nhận bằng Tổ quốc ghi công sau bao nhiêu khắc khoải chờ mong và bày tỏ lòng thành kính tri ân trước anh linh hương hồn các Liệt sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân các Liệt sĩ

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, gần 1 thế kỷ qua, ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả, "tình sâu nghĩa nặng", là sự quan tâm sâu sắc của nhà nước và toàn xã hội. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và và mai sau xin "ghi lòng tạc dạ", mãi mãi biết ơn những người cống hiến, đóng góp hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, Nhà nước và dân tộc. Trước anh linh và hương hồn của người đã mất, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, tổ quốc, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống; sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện pháp để nhanh chóng xác nhận và thực hiện ưu đãi người có công và thân nhân của họ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hơn lúc nào hết, ngành lao động, thương binh và xã hội cần phát huy các kết quả đã đạt được thời gian qua trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách và thực hiện xác nhận người có công với cách mạng. Không để người có công với cách mạng vì sự nghiệp đấu tranh đến nay chưa được xác nhận để phần nào bù đắp những đau thương, mất mát của người có công và gia đình họ.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương bình, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã cống hiến cho đất nước; nhiệt liệt biểu dương các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội, đồng bào trong nước và đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài đã góp phần vào việc chăm lo đời sống người có công. Chủ tịch Quốc hội cũng mong rằng, mỗi người, mỗi ngành sẽ làm tốt hơn nữa công tác này, coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.

Trước đó, thay mặt Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội báo cáo công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người, gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.  Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng. Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau- những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân là năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an, trước mắt tập trung cao độ cho xét duyệt đợt 2/9 và 22/12/2017; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.

Ngày 07 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 498 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và 36 tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Ninh Thuận, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tiền Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Long.
 
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao Bằng "Tổ quốc ghi công" cho đại diện thân nhân các Liệt sĩ được suy tôn.

Quang Minh