PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP LẦN THỨ 3 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

12/07/2019

Sáng ngày 12/7, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Khoa học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ Ba, nhằm xem xét, quyết định về Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020 (cấp Bộ, cấp cơ sở và các hoạt động khoa học công nghệ khác). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự Phiên họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội là thành viên của Hội đồng Khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hoan nghênh và chào mừng sự có mặt các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tới dự và cho ý kiến tại phiên họp và cho biết, thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020, trên cơ sở các đề xuất các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Phiên họp nhằm xem xét quyết định Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020 (gồm cấp Bộ, cấp cơ sở và các hoạt động khoa học công nghệ khác). Tính đến thời điểm này Hội đồng đã nhận được 54 dề nghị đề tài cấp bộ, 23 đề nghị nghiên cứu cấp cơ sở, với nội dung đề xuất khá phong phú. Dự thảo Danh mục đã được Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu Lập pháp xem xét thông qua theo quy định, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lập pháp đã cho ý kiến ban đầu để trình Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến lần cuối.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra của các đề xuất nhiệm vụ khoa học là bám sát Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội. Phiên họp lần này cũng đặt ra yêu cầu rà soát các nhiệm vụ, đề xuất có trùng với các đề tài đã nghiên cứu trước đó. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu khoa học phải góp phần vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng nhà nước pháp quyền. Tại phiên họp này, đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lập pháp sẽ trình bày Tờ trình Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tham gia góp ý vào danh mục để đảm bảo yêu cầu chất lượng của các đề tài khoa học, làm cơ sở để Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện từ năm 2020.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển trình bày Tờ trình Danh mục Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020.

Trình bày Tờ trình Danh mục Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết: để triển khai xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020 trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, ngày 9/1/2019, Viện Nghiên cứu Lập pháp đã có Công văn gửi tới các cơ quan về việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2020. Tính đến thời điểm này, Viên Nghiên cứu Lập pháp đã nhận được 54 đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp bộ, 23 đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Cùng với việc rà soát, Hội đồng đã điều chỉnh lại tên gọi một số đề xuất nhiệm vụ khoa học; đồng thời đưa một số đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở lên thành nhiệm vụ cấp bộ và chuyển một số đề xuất nhiệm vụ cấp Bộ xuống cấp cơ sở để phù hợp với phạm vi nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng, căn cứ vào các định hướng nghiên cứu khoa học, căn cứ vào yêu cầu nâng cao tính ứng dụng trong các đề tài, Viện Nghiên cứu Lập pháp đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2020, gồm 17 nhiệm vụ khoa học cấp bộ; 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở và 04 hoạt động khoa học và công nghệ khác.

Về nguyên tắc xây dựng danh mục dựa trên 06 nguyên tắc, gồm:

- Chú trọng, ưu tiên các đề xuất của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hộ để đảm bảo sau khi được Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ thông qua sẽ được giao cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm triển khai có hiệu quả.

- Tham chiếu, bám sát dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 và dự báo các năm tiếp theo cũng như các định hướng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được xác định trong các Nghị quyết; yêu cầu nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

- Rà soát, tránh trùng lặp với các đề tài đã thực hiện tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội và các cơ sở nghiên cứu khoa học.

- Đảm bảo năng lực nghiên cứu để triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

- Các đề xuất nhiệm vụ khoa học phải phù hợp với tính chất, phạm vi nghiên cứu và tầm quan trọng của đề tài cấp bộ, cấp cơ sở theo yêu cầu của Luật Khoa học và Công nghệ, các văn bản hướng dẫn thi hành; phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc điểm công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn trong khối các cơ quan của Quốc hội nói chung.

- Việc xác định số lượng đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, các hoạt động khoa học công nghệ khác và dự kiến kinh phí phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đặc điểm công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn trong khối các cơ quan của Quốc hội nói chung.

Giáo sư Hoàng Thế Liên đề nghị các đề xuất nhiệm vụ khoa học nên tập trung vào 3 chức năng chính của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Góp ý về Dự kiến Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện từ năm 2020, Giáo sư Hoàng Thế Liên đánh giá cao việc Hội đồng đã xây dựng 6 nguyên tắc xây dựng danh mục đề tài, nhiệm vụ khoa học. Việc lựa chọn đề tài từ cơ sở trình lên cũng đảm bảo tính khách quan và đúng quy trình, tuy nhiên, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, với 3 chức năng, nếu lựa chọn những đề tài quá nhỏ sẽ dễ sa đà, trùng lắp với đề tài của các bộ, ngành khác. Vì vậy, Hội đồng nên lựa chọn các đề tài tập trung vào 3 chức năng chính của Quốc hội là Lập pháp, Giám sát và Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, Giáo sư Hoàng Thế Liên nêu thực tế tình trạng chạy chức chạy quyền, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai-nguyên nhân chính gây tham nhũng, lãng phí, vì vậy các đề tài, nhiệm vụ khoa học cần tập trung vào giải quyết những vấn đề này.

Về số lượng các đề tài, một số ý kiến cho rằng số lượng đăng ký nhiệm vụ khoa học lớn cho thấy các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội vẫn luôn quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Có những đề xuất chất lượng cao, nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu; có đề xuất mang tính cấp thiết và đảm bảo tính thời sự. Tuy nhiên, vẫn có những đề xuất còn trùng lắp với một số nghiên cứu trước đó, đề xuất chưa đảm bảo tính kịp thời và nếu thực hiện sẽ chậm so với Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.

TS. Dương Thanh Mai nêu ý kiến, các đề xuất nhiệm vụ nên ưu tiên tập trung những vấn đề đang vướng mắc trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đề xuất đề tài, nhiệm vụ khoa học cần hướng tới nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật; công tác ủy quyền lập pháp; vai trò của Quốc hội trong việc giám sát của Quốc hội từ khâu xây dựng pháp luật đến thi hành pháp luật; và làm rõ nguyên nhân, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật hiện nay. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất đề tài khoa học nên tính đến thời điểm sau năm 2020, bởi đây là thời điểm cải cách thể chế của Việt Nam diễn ra sâu sắc, hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì vậy, những đề xuất đề tài cần mang tính dự báo, nhiệm vụ khoa học cần mang tính dài hơi hơn, có tầm nhìn ít nhất từ 3-5 năm để từ đó hình thành các chính sách phù hợp với thực tiễn.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, các đề xuất nhiệm vụ trong Danh mục mới thực hiện được một kênh, đó là kênh đề nghị của các cá nhân thuộc các cơ quan của Quốc hội, vì vậy mà những đề tài lớn, mang tính bao quát chưa thực hiện được. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có trách nhiệm đặt hàng Hội đồng Khoa học về các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đặt hàng những đề tài lớn và cả những đề tài nhỏ nhưng mang tính cấp bách, có thể ứng dụng ngay vào thực tế.

Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng các đề xuất nhiệm vụ khoa học mới xuất phát từ một phía, từ các cơ quan của Quốc hội đề xuất. Vì vậy lãnh đạo Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đặt hàng các đề tài, nhiệm vụ khoa học tầm cỡ, có thể mời các nhà khoa học có uy tín tham gia nghiên cứu khoa học. Các nhiệm vụ khoa học cũng không cần thiết loại bỏ đề tài trùng lặp với các bộ ngành khác, bởi mục đích nghiên cứu là phục vụ công tác thẩm tra là chủ yếu nên cách tiếp cận cũng khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Viên Nghiên cứu lập pháp chuẩn bị tài liệu công phu, bài bản; những ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2019, Hội đồng Khoa học đã gửi tới các cơ quan về việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2020, qua các đề xuất nhiệm vụ khoa học cho thấy sự phong phú về nội dung, tuy nhiên vẫn có sự trùng lắp về đề tài, do vậy Hội đồng Khoa học đã lựa chọn từ 54 đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp Bộ còn 17 đề tài. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân loại các đề xuất nhiệm vụ khoa học thành các nhóm vấn đề, trong đó tập trung vào các chức năng cơ bản của Quốc hội trong tình hình, bối cảnh mới, đi sâu vào việc kiểm soát quyền lực; quy trình xây dựng pháp luật gắn với nhà nước pháp quyền; những vướng mắc trong lý luận và thực tiễn tại nhiệm kỳ Quốc hội này, từ đó làm cơ sở cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới nghiên cứu, tham khảo….Trong quá trình nghiên cứu khoa học cần cập nhật tiến độ nghiên cứu, kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội./.

Lan Hương - Hoàng Quỳnh