PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU DỰ HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

05/08/2019

Ngày 05/8 tại Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) khu vực Đông Nam Á tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu dự và phát biểu.

Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa… cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc

Khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định, Bộ luật Lao động được xem là đạo luật nền tảng trong lĩnh vực lao động, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đây là bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, có tác động trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người lao động, tác động sâu rộng đến hoạt động của tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động lần này nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân. Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua. Quá trình thảo luận cho thấy, còn có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh vị trí quan trọng và phạm vi tác động sâu rộng đến tất cả thành phần kinh tế cùng hàng chục triệu lao động trong cả nước của dự thảo Bộ luật. Vì vậy cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu thêm ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, qua đó bảo đảm tính khả thi cho việc chỉnh lý, hoàn thiện.

Phó Chủ tịch QH đề nghị từng đại biểu phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tham gia ý kiến thẳng thắn, trực diện về việc nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động; khủng làm thêm giờ cho người lao động, thời gian làm việc và nghỉ ngơi; tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, quyền tổ chức và thương lượng tập thể; giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động, tiền lương lao động; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, thanh tra lao động và xử lý vi phạm pháp luật về lao động…

Toàn cảnh Hội nghị

Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đề cập đến các nội dung về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật có thể chấp nhận được của Bộ luật Lao động, như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu… Cách tiếp cận các cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia. Trong lần sửa đổi này, cần có thêm nhiều nội dung được điều chỉnh đề phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, một trong những định hướng sửa đổi rất lớn của bộ luật lần này là nội dung liên quan đến lao động nữ. Bộ luật Lao động hiện hành đưa ra rất nhiều quy định bảo vệ lao động nữ mà trên thực tế, trong nhiều trường hợp điều này có nguy cơ tạo ra sự phân biệt đối xử với chính họ, như hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm, thăng tiến nghề nghiệp. Do vậy, lần sửa đổi này đã đưa ra cách tiếp cận hiện đại hơn, từ bảo vệ lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền thay vì cấm đoán, nhiều quyền lợi của nữ và nam phải được như nhau. Đại diện Quỹ Rosa Lurxumburg cho rằng, để đáp ứng bối cảnh mới, cũng như hội nhập sâu rộng vào quốc tế, đặc biệt là phù hợp với Hiến pháp 2013, thì việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này càng có ý nghĩa quan trọng.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày, 5 và 6.8.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)