PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG LÀM VIỆC VỚI TỈNH ỦY TỈNH QUẢNG NINH

18/08/2019

Sáng ngày 18/8, tại Tp. Hạ Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh; về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Yến.

Về phía tỉnh Quang Ninh có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh; về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc; hoạt động của Đoàn ĐBQH và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, hiệu quả.

Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền và tính chiến đấu, tính thuyết phục trong công tác tư tưởng; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; đảm bảo quốc phòng, an ninh ổn định. Nhờ đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017 và 85,1% năm 2018. Cùng với đó, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến năm 2018, tỉnh đã giảm 473 biên chế công chức và 1.489 người làm việc (biên chế viên chức) so với năm 2015. Qua đó đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên (tỷ lệ chi thường xuyên năm 2015 là 47%, đến năm 2018 đạt xấp xỉ 33%).

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND và Văn phòng Đoàn ĐBQH cấp tỉnh; thực hiện mô hình hợp nhất Cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Ban tổ chức – phòng Nội vụ ở 14/14 đơn vị cấp huyện (giảm 28 đầu mối); hợp nhất Văn phòng Huyện ủy, HĐND và UBND tại 3 huyện. Thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội ở 14 địa phương và cấp tỉnh. Thí điểm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua kinh tế của tỉnh phát triển tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh, phát triển theo hướng bền vững. Các nguồn lực đầu tư được huy động đa dạng hóa để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ. Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng ước đạt 12,09%. Thu ngân sách ước đạt 23.924 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 1,55% năm 2015 xuống còn 1,28% năm 2018; phấn đấu năm 2020 chỉ còn 0,12%. Văn hóa - xã hội, an sinh, phúc lợi và tiến bộ, công bằng xã hội được đảm bảo. Du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế của Quảng Ninh.

Toàn cảnh buổi làm việc

Với 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng miền núi, đồng bào dân tộc. 100% các xã, thôn đã được đảm bảo các hạ tầng cơ bản; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đã giảm 2 lần so với cuối năm 2015 (riêng tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 lần); thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng 2 lần so với năm 2010. Đặc biệt đã có nhiều hộ dân tự nguyện viết đơn xin tự nguyện thoát nghèo cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của nhân dân; góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc, miền  núi.

Về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát các Nghị quyết, chương trình kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết của Tỉnh ủy, tình hình kinh tế và cử tri nhân dân. Tới nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức 235 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH tại 14/14 địa phương trong tỉnh; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, nhất là tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực dân tộc, lao động về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 428 ý kiến, kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các sở ban ngành đề nghị sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật. Thực hiện giám sát về thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan; góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật Nhà nước tại địa phương…

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đều bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua. Những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh; đời sống người dân, đặc biệt là tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng được cải thiện, đã khẳng định rõ sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo tỉnh trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương Đảng với cách làm hết sức sáng tạo, đổi mới và mang tính đột phá.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh; về phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Đồng thời bày tỏ vui mừng về sự phát triển vượt bậc của tỉnh Quảng Ninh trong trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc của tỉnh Quảng Ninh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: trong thời gian tới, Quốc hội sẽ sửa đổi, Luật tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đang chuẩn bị nghị quyết về công tác dân tộc theo hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Đặc biệt là công tác xây dựng củng cố hệ thống chính trị được giữ vững, cán bộ là người dân tộc thiểu số tăng lên.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh Quảng Ninh

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về công tác cải cách hành chính, đây là mô hình nhiều tỉnh thành trong cả nước tham khảo học tập. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có nhiều chính sách thu hút được các nguồn lực tư nhân để phát triển kinh tế, với quyết tâm đổi mới, tư duy phát triển bền vững, phương pháp quản lý được đổi mới, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đây là vấn đề cốt lõi trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh trật tự; chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về môi trường, y tế, giáo dục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc./. 

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức