PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU LÀM VIỆC VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TẠI HUYỆN CHƯƠNG MỸ, HÀ NỘI

26/08/2019

Chiều ngày 26/8, tại huyện Chương Mỹ, Tp.Hà Nội, Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2019, do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, đã có cuộc làm việc với các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc 

Cùng đi có Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn giám sát và đại diện lãnh đạo một số Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Chương Mỹ là một huyện ngoại thành có diện tích lớn và dân số đông của thành phố Hà Nội, đây cũng là một trong những địa phương có số lượng trẻ em bị xâm hại khá cao thời gian qua. Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2015 đến 30/6/2019 đã có 15 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục, bạo lực về thể chất đối với trẻ em. Đặc biệt, đã có 1 trẻ em tử vong do bị bạo lực xảy ra vào tháng 4/2019.

Cũng theo đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Chương Mỹ, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện diễn ra ngày càng nhiều hơn với tình chất phức tạp và nghiêm trọng hơn khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra tới 8 vụ xâm hại trẻ em. Thủ đoạn của các hành vi xâm hại ngày một tinh vi, diễn ra trong thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do đa số các vụ xâm hại trẻ em khi xảy ra và được phát hiện thì không tố giác ngay dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Trong khi đó các nạn nhân bị xâm hại đều nhỏ tuổi, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, ngại khai báo và bị chấn động mạnh về tinh thần sau khi vụ việc xảy ra. Một nguyên nhân khác liên quan đến pháp luật hiện hành là Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có một số quy định mới nhưng đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực thi dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau như: thế nào là hành vi dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi khiêu dâm… đây được đánh giá là những khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra, truy tố thạm chí là oan sai bỏ lọt tội phạm đối với các vụ việc xâm hại trẻ em.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng công tác thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Chương Mỹ cơ bản đã có sự phối hợp giữa các cơ quan, nguồn kinh phí để thực hiện công tác này có nhiều cố gắng. Vấn đề được các thành viên đoàn giám sát thể hiện sự quan tâm là việc gia tăng đột biến các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian gần đây đặc biệt là trong nửa đầu năm 2018.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em của huyện Chương Mỹ cho thấy công tác này được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, các biện pháp tuyên truyền, kế hoạch triển khai về phòng chống xâm hại trẻ em được UBND huyện ban hành và thực hiện khá quyết liệt nhưng trên thực tế tình hình xâm hại trẻ em lại gia tăng về số vụ, tính chất ngày càng phức tạp. Các đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề này, những nguyên nhân sâu xa của việc này cần được phân tích kỹ lưỡng…

Một số thành viên khác đặt vấn đề về công tác quản lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước huyện Chương Mỹ đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Trần Thị Quốc Khánh - đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng công tác quản lý nhà nước của huyện Chương Mỹ có vấn đề cũng như thể hiện khoảng trống nhất định khi Uỷ ban nhân dân huyện mới chỉ dừng ở việc ban hành các kế hoạch, Hội đồng nhân dân thì không có nghị quyết chuyên đề giám sát về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện trong khi đã xảy ra nhiều vụ xâm hại nghiêm trong trẻ em.

Đại biểu Tạ Văn Hạ thì cho rằng cần chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc gia tăng đột biến các số vụ xâm hại trẻ em, bên cạnh đó cần tập trung phân tích làm rõ về hoàn cảnh của các đối tượng xâm hại từ đó tìm ra được động cơ, việc này có ý nghĩa rất lớn với công tác phòng ngừa sau này.

Một số ý kiến khác thể hiện sự quan tâm tới đội ngũ làm công tác kiêm nhiệm tại cấp xã, năng lực chuyên môn của đội ngũ này khi đây là những người đầu tiên tiếp cận các vụ việc cũng như có vai trò lớn trong công tác tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ cơ sở.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, chia sẻ với những khó khăn của huyện Chương Mỹ như việc dân số đông trên 33 vạn người, diện tích lớn trong khi đội ngũ làm công quản lý còn những hạn chế nhất định dẫn tới thực hiện chuyên môn về công tác phòng chống xâm hại trẻ em còn khó khăn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo về công tác này của huyện Chương Mỹ cần làm sâu hơn, kỹ lưỡng hơn theo hướng đi vào thực tế, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, đồng thời có các giải pháp cụ thể để hạn chế tiến tới đẩy lùi tình trạng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị huyện làm rõ hơn trong báo cáo về tình trạng trẻ em bị bỏ rơi hoặc thiếu sự quan tâm của cha mẹ người thân trên địa bàn huyện, bởi thực tế đây là địa bàn rộng có nhiều nhà máy khu công nghiệp, việc cha mẹ đi làm xa thiếu sự quan tâm chăm sóc với con cái, thậm chí bỏ mặc là rất có thể xảy ra. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc phòng, chống xâm hại trẻ em không đơn giản chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà việc này còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, vì vậy cần tích cực nâng cao hơn nữa trách nhiệm của gia đình, xã hội và nhà trường đối với công tác này.

Theo chương trình làm việc, ngày 27/8/2019, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019./.

Phạm Hải - Hoàng Tùng