KHAI MẠC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ PHỤ NỮ, HÒA BÌNH VÀ AN NINH

07/12/2020

Chiều 07/12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với chủ đề ''Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả''. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và phát biểu tại hội nghị.

 

Khai mạc Hội nghị trực tuyến Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh

Tham dự hội nghị còn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện lãnh đạo Bộ, ban ngành, cơ quan hữu quan, đại diện các Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các doanh nghiệp nữ tiêu biểu, nữ cán bộ ngoại giao đa phương.

Về phía đại biểu quốc tế có các Bộ trưởng, quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế cùng hơn 200 đại biểu quốc tế tham dự trực tuyến.

Tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ Hội nghị lần này có chủ đề: “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”. Khẳng định Hội nghị được tổ chức vào một thời điểm rất đặc biệt và ý nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2020 đánh dấu 75 năm thành lập Liên hợp quốc, vừa là dịp kỷ niệm sự ra đời của hàng loạt văn kiện quốc tế quan trọng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ như Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Đặc biệt là năm nay cũng đánh dấu tròn hai thập kỷ kể từ khi vấn đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu, đặt nền móng bởi Nghị quyết 1325 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2000.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhấn mạnh chặng đường đi từ ý chí đến hành động không hề dễ dàng nhưng với nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, bằng bản lĩnh, ý chí và khát khao đóng góp của chính người phụ nữ, mối liên hệ giữa phụ nữ với hòa bình, an ninh cũng như vai trò và đóng góp của các chị trong xây dựng và củng cố hòa bình ngày càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trên khắp các châu lục, phụ nữ tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò của mình trong ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột; tham gia tích cực trong thiết lập, gìn giữ và kiến tạo hòa bình; đi đầu trong định hướng, thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội. Tại Hội đồng Bảo an, “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” không chỉ trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự với 10 Nghị quyết liên quan được thông qua kể từ năm 2000, mà còn được được lồng ghép trong hầu hết các văn kiện của Hội đồng Bảo an.

Song đáng tiếc, chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều thách thức hiện hữu. Nhiều quốc gia, khu vực vẫn lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, đói nghèo và dịch bệnh. Bạo lực về giới tiếp tục là vấn nạn. Sinh mạng và phẩm giá của phụ nữ còn bị đe dọa. Nhiều bé gái không được tới trường. Người phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều rào cản về chính trị, kinh tế và văn hóa, thiếu sự hỗ trợ cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò hoặc thậm chí bị gạt ra bên lề sự phát triển của xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, đại dịch COVID-19 đang đe doạ những tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tước đi những nguồn lực dành cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn cầu. Chính vì vậy, thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thiết thực hơn nữa trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu tiên chính sách quan trọng cả ở trong nước và trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc và ASEAN. Trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thúc đẩy Nghị quyết 1889 năm 2009 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ sau xung đột và sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh” trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Nhấn mạnh, trên khắp thế giới, phụ nữ đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến để tạo ra những thay đổi to lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Từ cam kết đến kết quả vẫn còn một khoảng cách dài

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ với chủ đề của Hội nghị nhằm xây dựng và củng cố hòa bình toàn cầu và cùng đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc, cùng tôn vinh phụ nữ vì hòa bình và sự đóng góp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Thực tiễn đã cho thấy vai trò của phụ nữ, sự tham gia của phụ nữ không chỉ là điều kiện tiên quyết cho hòa bình, an ninh và phát triển tại nhiều quốc gia, khu vực mà còn đóng góp trực tiếp cho cuộc đấu tranh bền bỉ vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.

Với tư tưởng độc lập, tự do, cho quyền được sống, được hưởng hòa bình, hạnh phúc nên cách đây 20 năm, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1325. Đây là lần đầu tiên khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong phòng ngừa xung đột, cũng như trong xây dựng và củng cố hòa bình của thế giới. Từ đó tới nay, cộng đồng quốc tế đã duy trì quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy và hành động đối với chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh cũng như các cam kết quốc tế quan trọng khác.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Từ cam kết đến kết quả vẫn còn một khoảng cách dài trước những khó khăn, thách thức đối với các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự này. Tính mạng, nhân phẩm và các quyền cơ bản của phụ nữ vẫn bị đe dọa trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và bất ổn; nhiều nơi xung đột, bạo lực, đặc biệt là bạo lực về giới vẫn tiếp diễn; cùng với các thách thức như nghèo đói, dịch bệnh, thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu; khủng bố; tội phạm ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ và trẻ em. Sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình tham gia các hoạt động đàm phán, hoà giải, gìn giữ hoà bình quốc tế còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, những rào cản về giới trong xã hội vẫn là cản trở đối với mong muốn chính đáng, nỗ lực vươn lên của những người phụ nữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, những khó khăn, thách thức này, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hoà bình bền vững, bao trùm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần tập trung nỗ lực trên ba phương diện chính.

Thứ nhất, tăng cường và thống nhất nhận thức trong xã hội và ở mọi cấp độ về vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình và tái thiết hậu xung đột, góp phần xoá bỏ các rào cản và định kiến giới cũng như bảo vệ và đáp ứng tốt hơn quyền, lợi ích và nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái trong và sau xung đột.

Thứ hai, phụ nữ cần được đặt ở vị trí quan trọng trong các chính sách, chiến lược, sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về an ninh và phát triển, bao gồm cả các nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế cần duy trì quyết tâm chính trị và cụ thể hóa các cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm để kết nối các nỗ lực, nâng cao hiệu quả triển khai nhằm đạt những kết quả thực chất, bền vững.

Việt Nam chủ trương nhất quán: Luôn phát huy cao độ vai trò và tiềm năng của phụ nữ

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam luôn in đậm dấu ấn và đóng góp to lớn của người phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam, với truyền thống quý báu “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng hoà bình, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế và tạo dựng bản sắc văn hoá của dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là luôn phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, góp phần tăng cường đóng góp của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Với quyết tâm cao nhất và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, Việt Nam đã và đang nỗ lực cụ thể hóa những chủ trương, chính sách nói trên thành những kết quả đáng tự hào. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban dân vận Trung ương. Tỉ lệ đại biểu nữ tại Quốc hội Việt Nam chiếm 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, nhà khoa học, những người sản xuất giỏi, người có uy tín, văn nghệ sĩ tiêu biểu; hàng ngàn phụ nữ là chủ doanh nghiệp đã đóng góp cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch AIPA 41, Việt Nam đã góp tiếng nói mạnh mẽ khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tại Liên hợp quốc, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng Nghị quyết số 1889 năm 2009 về phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn hậu xung đột và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Bày tỏ tin tưởng và đánh giá cao chủ đề Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Hội nghị là cơ hội để bày tỏ sự ủng hộ của Nhân dân Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một thế giới không còn chiến tranh, không bạo lực, không còn sự kỳ thị, một thế giới của hoà bình bền vững, mọi người đều được sống trong hòa bình, nơi người phụ nữ trở thành chủ nhân của chính vận mệnh của mình.

Ghi nhận vai trò của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy triển khai chương trình nghị sự

Trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, quan chức cấp cao của một số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều ghi nhận vai trò của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng hòa bình; khẳng định Nghị quyết 1325 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2000 đã đặt nền móng cho mục tiêu này.

Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ chủ đề của Hội nghị lần này và cho rằng, Hội nghị do Việt Nam phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức là đúng thời điểm và phù hợp trong bối cảnh của đại dịch COVID-19.

Cam kết tạo ra môi trường cho phụ nữ phát huy tối đa vai trò của mình trong xây dựng ủng cố hòa bình, các đại biểu bày tỏ ủng hộ các nỗ lực, đóng góp vào chương trình đào tạo phòng chống xây dựng; khẳng định sự bình đẳng và trao quyền phụ nữ là yếu tố quan trọng trong xây dựng củng cố hòa bình thông qua giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và lên kế hoạch đều đóng vai trò quan trọng.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tiến hành họp phiên toàn thể thứ nhất về “Phụ nữ trong xây dựng hòa bình: Những tiến bộ đạt được từ khi thông qua Nghị quyết 1325 (2000) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tương lai”.

Bên lề hội nghị cũng diễn ra triển lãm “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến dự và cắt băng khai mạc triển lãm./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác