PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 6 CỦA ỦY BAN KINH TẾ

28/04/2022

Sáng 28/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo tại phiên họp.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế

Kinh tế phục hồi và khởi sắc những tháng đầu năm 2022

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực thì có một số chỉ tiêu không đạt dự kiến do bối cảnh tình hình thế giới trong nước Quốc tế diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý 1/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020-2021, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, như giá đầu vào của nền kinh tế tăng cao, trong khi điều hành giá còn khó khăn, Chỉ số CPI tăng 0,7% so với tháng trước, cao nhất từ năm 2012 đến nay, tạo áp lực lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần theo dõi sát để xử lý kịp thời. Hiện tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước quý 1 đạt 11,88% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn trong nước đạt 12,66%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp

Theo đánh giá, Việt Nam đã cơ bản đã không chế dịch bệnh, đây là cơ sở quan trọng để phục hồi kinh tế, nhưng đây cũng năm bản lề nếu không giải quyết những điểm nghẽn đang đặt ra. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá và dự báo chính xác hơn những rủi ro trực tiếp và gián tiếp, đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga và Ukraine; đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất hơn. Đây là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế trong những năm tới.

Phát biểu tại phiên họp, TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, đặc biệt lưu ý nếu năm nay không thành công trong phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ cực kỳ khó khăn trong 3 năm tới của nhiệm kỳ, do đó đòi hỏi quyết tâm rất lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, TS.Cấn Văn Lực cho rằng “phục hồi và khởi sắc” là điểm tích cực của kinh tế Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Do đó, báo cáo của Chính phủ cần tập trung làm rõ hơn các kết quả nổi bật này. Theo đó, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đây là điểm đáng phấn khởi.

Chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực phát biểu tại phiên họp

TS.Cấn Văn Lực nêu rõ, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước. Trong đó có 3 chính sách quan trọng nhất là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó Chính phủ có Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Chính phủ cũng đã cập nhật Chương trình phòng chống dịch bệnh ngày 17/3/2022. Trước đó là Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và hàng loạt nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy cần có rà soát các cơ chế chính sách này để thấy được vai trò, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó là các kết quả tích cực khi nền kinh tế phục hồi cả cung và cầu. Đột phá ở xây dựng, công nghiệp phục hồi tốt, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 2.4%-2.5%; dịch vụ phục hồi chậm và không đồng đều. Điểm sáng về xuất nhập khẩu cũng cần phân tích làm rõ kết quả tăng về giá, phần tăng về lượng. Đầu tư FDI mặc dù tổng số tiền đăng ký giảm 12% tuy nhiên số dự án lại tăng lên đáng kể, giải ngân vốn FDI cũng có tích cực, càng thể hiện rõ kinh tế - xã hội khởi sắc. TS.Cấn Văn Lực nhấn mạnh lạm phát được kiểm soát tốt, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh cần được phân tích làm rõ hơn cách thức, kinh nghiệm thực hiện.

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến

Tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân của kết quả, hạn chế

Cho rằng đánh giá về tình hình doanh nghiệp rất tích cực chỉ dựa trên số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại thị trường là chưa chuẩn xác, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc đề nghị cần có đánh giá sát thực hơn bởi tình hình doanh nghiệp còn là sức khỏe, hoạt động của doanh nghiệp, do đó nên đánh giá là tình hình doanh nghiệp có chuyển biến khởi sắc. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị phân tích rõ hơn các nguyên nhân chủ quan của một số hạn chế, tồn tại theo đó có nguyên nhân trong điều hành có những hạn chế lúng túng chậm chế, có những vướng mắc chưa kịp xử lý…cần thẳng thắn chỉ rõ.

Quan tâm đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra đó là tốc độ tăng trưởng GDP và tỉ trọng năng suất nhóm các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng các nguyên nhân được đề cập chưa thỏa đáng. GDP chưa đạt một phần do năng suất nhân tố tổng hợp chưa đạt. Trong khi đó, năng suất nhân tố tổng hợp hầu như từ nhiệm kỳ trước đến nay vẫn là vấn đề nổi cộm và không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, đại biểu kỳ vọng báo cáo của Chính phủ làm rõ hơn, nhiều hơn về các nhóm giải pháp, lộ trình thực hiện nhất là về chỉ tiêu hợp lý hóa sử dụng vốn lao động, đổi mới công nghệ hợp lý hóa sản xuất, năng lực quản lý lao động trình độ lao động. Đại biểu nhấn mạnh để đạt mục tiêu đề ra một cách chắc chắn ổn định cần có kế hoạch sát sao cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn điều hành phiên thảo luận

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo.  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao trong khó khăn chung nhưng nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực; đồng thời nhấn mạnh quan trọng là đánh giá chất lượng của tăng trưởng.

Nhiều vấn đề cần quan tâm tiếp tục có đánh giá rõ hơn như về tình hình chung, bối cảnh tác động. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ có 3/11 chỉ tiêu triển khai , còn lại 8 nhiệm vụ khác đang ở giai đoạn hướng dẫn thì liệu có phát huy vai trò đóng góp vào tăng trưởng như đã đặt ra; điều hòa linh hoạt các dự án đầu tư theo Nghị quyết 43/2022/QH15 với Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ hơn về tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; việc bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế; tiến độ của các công trình quan trọng quốc gia; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch và xử lý nợ xấu; vấn đề xây dựng thể chế.

Cùng với đó còn có một số vấn đề về giảm nghèo vùng lõi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, học trực tuyến kéo dài… là những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cần tìm căn nguyên và có giải pháp./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác