Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung; Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Thế Mạnh; đại diện các Bộ, ngành hữu quan.
Theo chương trình Phiên họp thứ 21 này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các đại biểu dự họp tập trung phân tích, thảo luận thật kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục từ đó có kiến nghị, đề xuất khả thi, sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề được xem xét trong Phiên họp hôm nay và ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Phiên họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là phiên họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng lại là phiên họp quan trọng khi phải xem xét, thẩm tra, cho ý kiến những vấn đề quan trọng của đất nước để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 58 và trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh mong muốn, các vị đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao như đã thể hiện ở các phiên họp toàn thể trước của nhiệm kỳ này để có được các Báo cáo thẩm tra chất lượng tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua lịch sử hình thành, phát triển, có thể khẳng định, Ủy ban đã đóng góp thiết thực vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội, để lại những dấu ấn đậm nét, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao
Về Chương trình giảm nghèo, kết quả thực hiện các chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn
Về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định và nâng tầm chính sách bảo hiểm xã hội, trở thành trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn các đại biểu dự họp tập trung phân tích, thảo luận thật kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục từ đó có kiến nghị, đề xuất khả thi, sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực
Các vấn đề được xem xét trong Phiên họp hôm nay và ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 21, sáng 29/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, việc xây dựng Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương này sẽ tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia
Cho ý kiến thẩm tra nội dung này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Chương trình. Đồng thời đánh giá Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cơ bản cần đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công; nội dung cần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025
Cụ thể hơn, một số thành viên Ủy ban đề nghị thống kê chính xác đối tượng, địa bàn thụ hưởng của Chương trình, xác định vào các vùng lõi nghèo, nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, tạo sinh kế, các hộ nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo...Do đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát vấn đề này sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư..
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm
Kết luận một số nội dung làm việc, thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp rà soát, phân đánh giá, làm rõ các nội dung hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót giữa 3 Chương trình để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nội dung hoạt động, đảm bảo hiệu quả đầu tư
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại phiên họp