PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 2 CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC

24/09/2021

Sáng 24/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 bằng hình thức trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Tham dự phiên họp còn có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban soạn thảo Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và đại diện các bộ ngành của Chính phủ như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban thảo luận và quyết định 2 nội dung quan trọng: về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và về Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban.

Về Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết, căn cứ Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nghiên cứu, soạn thảo và trình dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thường trực Ủy ban đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng dự án Luật và cập nhật tiến độ, nội dung dự án Luật; tổ chức xin ý kiến các chuyên gia; phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu một số kinh nghiệm quốc tế liên quan đến điện ảnh; tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để cho ý kiến vào Báo cáo thẩm tra sơ bộ; tiếp tục tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật, Thường trực Ủy ban đã tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, trình xin ý kiến tập thể Ủy ban tại phiên họp lần này.

Về Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, đây là hoạt động thường kỳ của Ủy ban nhằm tổng kết, đánh giá kết quả công tác năm 2021 và xác định nhiệm vụ, trọng tâm năm 2022. Năm 2021, hoạt động của Ủy ban diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, đây là thời gian chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban đã tổng kết và hoàn thành công tác nhiệm kỳ khóa XIV, tiến hành triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban nhiệm kỳ khóa XV. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban nói chung cũng như hoạt động của từng thành viên của Ủy ban nói riêng. Tuy nhiên Ủy ban đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, do tình hình dịch bệnh, Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban được tổ chức theo hình thức trực tuyến, mong muốn các thành viên của Ủy ban nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, tập trung trao đổi, phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại Nhà Quốc hội, 3 điểm cầu ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, kết nối trực tiếp với các đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến kết luận của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên làm việc; chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị các nội dung cũng như tổ chức thẩm tra đối với Dự án Luật. Ủy ban đã chủ động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm; nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển, tập trung công sức, trí tuệ, khẩn trương thực hiện việc tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan soạn thảo dự án Luật đã cầu thị, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đặt yêu cầu rất cao về chất lượng đối với các dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội đã có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị từ sớm, chuẩn bị từ xa về nội dung thẩm tra các dự án Luật trình Quốc hội. Ngay từ giữa tháng 8, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan chủ trì thẩm tra để cho ý kiến về công tác chuẩn bị 7 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó có dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục quán triệt tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về công tác chuẩn bị xây dựng Luật; tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm các nội dung trong dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban, góp ý cho dự thảo Luật, để Luật Điện ảnh khi ban hành tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, với chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Về kết quả hoạt động năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong năm qua. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng, lại hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Ủy ban đã tổ chức tốt việc chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ; có nhiều nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách. Thường trực Ủy ban đã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, giữ mối liên hệ, có nhiều đổi mới linh hoạt, bám sát thực tiễn trong triển khai nhiệm vụ, quyền hạn theo quy đinh; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan; đã phát huy được trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tham gia, đóng góp cho công tác chuyên môn của Ủy ban. Từ nay tới cuối năm, Ủy ban còn một số nhiệm vụ, hoạt động lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nỗ lực, tập trung triển khai, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã đề ra. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên Ủy ban; tính toán lựa chọn nội dung, cách làm phù hợp, để đạt hiệu quả tối đa trong từng công việc.

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) 

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đa số các ý kiến bày tỏ sự đồng tình sửa đổi toàn diện Dự án Luật Điện ảnh. Sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân. Đồng thời đa số ý kiến đánh giá cao Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định.

Cơ bản các ý kiến tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đồng thời nhấn mạnh: (1) Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (2) Cần đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi giải trí, thời trang,…) và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong môi trường công nghệ số, tiên tiến, hội nhập quốc tế; (3) Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh, không chỉ sản xuất, phát hành, phổ biến phim, mà cần đề cập thêm: phim trường, rạp chiếu phim; tổ chức, cá nhân quản lý diễn viên, làm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình họa, kịch bản, âm nhạc; sản xuất đạo cụ; sản xuất, dịch vụ trang phục; nghiên cứu khoa học về phim…; (4) Luật cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”, quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; (5) Các chính sách đề xuất mới phải được đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; (6) Các quy định phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; (7) Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, các ý kiến nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Về đối tượng áp dụng, đề nghị làm rõ sự điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 22.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn

Về tổng thể, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Các nội dung mới cơ bản phù hợp với 04 chính sách đề xuất trong đề nghị sửa đổi Luật. Dự thảo Luật đã bổ sung 01 chương; bổ sung mới 20 điều; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu xây dựng Luật nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá hơn đối với hoạt động điện ảnh.

Về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, Dự thảo Luật đã kế thừa quy định tại Luật hiện hành, bổ sung các chính sách về đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi phát triển hoạt động điện ảnh. Một số ý kiến cho rằng, các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán , có nội dung diễn đạt chưa rõ; đề tài phim sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị còn khá rộng, do đó đề nghị nghiên cứu, quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để khi triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm khả thi trong thực tiễn.

Các đại biểu tham dự Phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) bằng hình thức trực tuyến

Đa số ý kiến đồng tình với quy định phân loại phim như Dự thảo Luật và cho rằng, đây là điểm mới, phù hợp với mục đích thẩm định, cấp phép và xu hướng của điện ảnh thế giới. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, kết hợp phân loại phim theo độ dài phim, thể loại phim và độ tuổi của đối tượng xem phim. Quy định tiêu chí phân loại phim rất quan trọng và cần thiết, do đó đề nghị nghiên cứu, bổ sung tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim  và bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, có 02 vấn đề Chính phủ trình xin ý kiến tại Tờ trình số 335/TTr-CP (Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng) và 01 vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận (Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh).

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Dự thảo Luật quy định 02 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Đa số ý kiến đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu) vì đây là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định. Thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân. Luật Đấu thầu quy định cụ thể, chi tiết cả ba hình thức này. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, các ý kiến tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đề nghị nghiên cứu: (1) xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim trước khi phổ biến; (2) quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động, kiểm duyệt tự động để đánh giá được nội dung, phát hiện nội dung vi phạm; hiển thị cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm; (3) tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm minh; (4) xây dựng tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thực thi công tác hậu kiểm. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế huy động sự tham gia của xã hội (Hội, Hiệp hội...) hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đa số ý kiến đề nghị cân nhắc và làm rõ hơn quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong Dự thảo Luật. Quy định về Quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước: (1) nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; (2) chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập để đáp ứng được nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 47 “Không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý”.

Biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật này, tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Tờ trình số 335 của Chính phủ, thống nhất tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên. Hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến chịu sự tác động của các cơ quan, tổ chức liên quan đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định.

Về nội dung cụ thể của Dự án luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra, có một số ý kiến nhấn mạnh và góp ý thêm.

Về sản xuất phim sử dụng NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, từ thực tiễn đấu thầu phim khó khăn, Chính phủ và Ban soạn thảo mong muốn không áp dụng hình thức đấu thầu trong đặt hàng phim Nhà nước. Đấu thầu là giải pháp nên có, là 1 trong 3 hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đa số thành viên của Hội Đồng Dân tộc và các Ủy ban lựa chọn phương án đấu thầu và đề nghị nên tách ra 3 trường hợp, trường hợp nào thì áp dụng phương án nào sao cho phù hợp, đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể để tổ chức đấu thầu thuận lợi hơn. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Quốc hội và các Ủy ban phần lớn lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu). Các Ủy ban cho rằng nên chăng thực hiện theo hướng lựa chọn đấu thầu để mua lại bản quyền phim phù hợp với định hướng, chủ trương, đường lối của Việt Nam nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian.

Đa số ý kiến và Ban soạn thảo cơ bản thống nhất về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong điều kiện phát triển công nghệ hiện nay, số lượng phim rất lớn, do vậy hướng đến hậu kiểm, nhưng cần kết hợp với tiền kiểm, áp dụng linh hoạt cả tiền kiểm và hậu kiểm, không nên lựa chọn cực đoan một trong hai hướng, nhấn mạnh đến việc phân quyền cho các địa phương.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đa số ý kiến cho rằng phải cân nhắc kỹ và nêu rõ được mục đích và nhiệm vụ của Quỹ, nội dung chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi, nguồn kinh phí đảm bảo cho Quỹ.

Với đại đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2 tới 

Sau khi thảo luận, với đại đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2 tới.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận và quyết định về Báo cáo kết quả công tác năm 2021 và dự kiến công tác năm 2022 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục./.

Bích Ngọc - Minh Hùng

Các bài viết khác