Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, hoan nghênh sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban xây dựng Đảng, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, đây chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc và sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội thảo
Cho biết, Hội thảo tổ chức đúng vào dịp đồng bào dân tộc Khmer đang vui mừng, phấn khởi chuẩn bị đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các vị hòa thượng, thượng tọa, các vị A Char, Ban quản trị các chùa và đồng bào dân tộc Khmer, chúc đồng bào, phật tử đón tết cổ truyền vui tươi, mạnh khỏe, đầm ấm, an lành.
Nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng. Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước.
Năm 2021, thu ngân sách của các tỉnh, thành phố khoảng 152 nghìn 729 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% của cả nước, trong đó thu nội địa khoảng 80 nghìn 955 tỷ đồng; giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp Vùng chiếm khoảng 31,3%; sản lượng gạo 55,4%, tôm 83,5%, cá tra 98%, trái cây 60% của cả nước. Tăng trưởng trung bình của 13 tỉnh chỉ là 1,08% thấp hơn nửa bình quân chung của cả nước (3 tỉnh bị tăng trưởng âm là Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang). Thu nhập bình quân đầu người của Vùng khoảng 53,3 triệu đồng/năm (các tỉnh, thành phố đều thấp hơn so với bình quân cả nước). Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ. Sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng còn rất nhiều khó khăn: 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện; 2,5% số xã chưa có đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo là 11,9%; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm,… Đây là những khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ tới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 (ngày 18/11/2019) phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120 (ngày 19/6/2020) phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc thông qua 2 Nghị quyết khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đây cũng là động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế, giải pháp thực hiện chất lượng, hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội bày tỏ mong muốn, Hội nghị sẽ nêu những kinh nghiệm thành công, những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là các đề xuất các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng có của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân để phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, thôn có đường giao thông đi lại thuận lợi, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.
Thứ ba, tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động; giải quyết vấn đề thuỷ lợi, hỗ trợ cây, con giống, thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và phát triển công nghiệp, dịch vụ bảo đảm thị trường, đầu ra cho sản phẩm của đồng bào.
Thứ tư, phát triển văn hóa, giáo dục; nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa, lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, chú trọng công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, để thực hiện được các yêu cầu đó, trước hết các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho Chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội, Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời các tỉnh, thành phố cần chủ động liên kết vùng thực chất, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.