CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG NGÀNH THANH TRA THỰC SỰ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

19/04/2022

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Phiên họp thứ 10 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với sự cần thiết ban hành luật và kỳ vọng sau khi dự thảo Luật này được ban hành sẽ tạo được tiền đề để xây dựng một ngành thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xã hội

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 có bố cục gồm 08 chương và 116 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước.  Cụ thể, Chương I về Những quy định chung (09 điều); Chương II về Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (27 điều); Chương III về Thanh tra viên (06 điều); Chương IV về Hoạt động thanh tra (57 điều); Chương V về Thực hiện kết luận thanh tra (06 điều); Chương VI về Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (05 điều); Chương VII về Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (03 điều); Chương VIII về Điều khoản thi hành (03 điều).

Tán thành về sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Luật và đánh giá cao hồ sơ của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh các quan điểm được nêu trong Tờ trình dự án Luật, cần tiếp tục rà soát để quán triệt, cụ thể hóa tối đa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, kiểm soát quyền lực Nhà nước, thực hiện các quyền của công dân; khắc phục bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra. Qua đó, bảo đảm sau khi ban hành Luật này có điều kiện xây dựng một ngành thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ hội để sửa đổi, bổ sung một đạo luật không nhiều, trung bình phải qua chu kỳ 5 đến 7 năm mới nghiên cứu, rà soát thực hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cố gắng tối đa để cho đời sống pháp luật được kéo dài.

Về định hướng và phạm vi sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với phạm vi điều chỉnh chỉ quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần rà soát hồ sơ dự án Luật để tập trung vào 3 lĩnh vực: thứ nhất, sửa đổi quy định nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, quyền hạn của các cơ quan; đổi mới thanh tra các bộ ngành, phù hợp với từng bộ ngành; phân định hoạt động giữa thanh tra và kiểm toán, phân định phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, mỗi cơ quan mang một chức năng khác nhau, không thể nói có trùng lắp ở đây. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính và tài sản công, do Quốc hội thành lập, hoạt động theo pháp luật. Một chức năng chức năng căn bản là kiểm tra, xác nhận thực trạng tài chính, báo cáo tài chính, để giải trình trách nhiệm của Chính phủ, phục vụ hoạt động cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó thanh tra là để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nên nếu kiểm toán xong thấy cần thiết vẫn có thể tiến hành thanh tra. Vấn đề là cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan làm sao để tránh phiền hà cho các đối tượng chịu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí có thể phối hợp thông qua sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán của các cơ quan.

Đưa ví dụ từ Hàn Quốc tổ chức một cơ quan có hai chức năng thanh tra và kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan cần làm đúng chức năng được luật định, tránh lấn sân, để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa giảm gánh nặng. Nếu năng lực có hạn thì trong một khoảng thời gian, thanh tra làm ở phạm vi này thì Kiểm toán làm ở phạm vi khác, thực hiện phối hợp nhuần nhuyễn trên cơ sở thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp, luật quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quy định tại Điều 43 về phân cấp giao bộ trưởng, thủ trưởng ngang bộ và cơ quan khác có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành này phải phù hợp với quy trình, thủ tục khung được dự thảo Luật quy định. Như vậy, sẽ vừa cụ thể hóa quy trình, thủ tục theo từng chuyên ngành, vừa có một khung để thống nhất trong thực hiện./.

Thu Phương – Phạm Thắng

Các bài viết khác