NÂNG TẦM HỢP TÁC VIỆT NAM - EU NGÀY CÀNG THỰC CHẤT VÀ HIỆU QUẢ

12/09/2021

Chiều 12/9, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam về đến Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Phần Lan theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan. Thành công tốt đẹp của chuyến thăm không chỉ về mặt chính trị ngoại giao, xúc tiến thương mại thu hút đầu tư mà còn thể hiện kết quả quan trọng thực hiện ngoại giao vaccine trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay.

 

Quốc hội Việt Nam đóng góp quan trọng vào thành công của WCSP 5 tại Áo

Hơn 110 nhà Lãnh đạo Quốc hội trên thế giới đã cùng nhau có mặt tại thủ đô Vienna của Áo để dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới 5. Chuyến thăm diễn ra khi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị lớn như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Và đây cũng là chuyến thăm tới Châu Âu lần đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hướng của dịch Covid-19.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế hoạt động mới, đặc biệt của IPU. Thông qua gặp gỡ Thượng đỉnh Nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đã góp tiếng nói chung cùng Liên hợp quốc xử lý những vấn đề toàn cầu. Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 là điểm nhấn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội Áo, sự phát triển của ngoại giao Nghị viện đa phương, trong đó IPU giữ vai trò tiên phong và sự đồng lòng, đoàn kết của các Nghị viện thành viên. Để Hội nghị hiệu quả, thiết thực và sống động, các Chủ tịch Quốc hội đều phát biểu trực tiếp tại các phiên thảo luận toàn thể về những chủ đề về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giảm thiểu tác động của Covid-19 và vai trò của chủ nghĩa đa phương. 

Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia Hội nghị ở các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm: phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế đấu, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong nhấn mạnh: Lần đầu tiên lãnh đạo Nghị viện thế giới có thể gặp nhau trực tiếp sau 2 năm “giãn cách” vì đại dịch, để cùng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Ông cũng chỉ ra đại dịch Covid-19 cho thấy những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng những nỗ lực toàn cầu; sản xuất và phát triển vaccine là hy vọng cho loài người vượt qua dịch bệnh. Chính vì vậy, Hội nghị lần này là dịp để các nhà lãnh đạo Quốc hội có thể cùng nhau hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như là một giải pháp để đạt được hòa bình và phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu về chủ đề chung “Sự dẫn dắt nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn nhằm đem lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Cùng với nhiều cơ hội mới mở ra, thế giới hiện nay đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng mà không một quốc gia, hay riêng một cường quốc nào có thể giải quyết, mà phải là sự hợp tác đa phương, chung tay của các quốc gia. Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân mà chúng ta là đại diện đang thúc giục chúng ta vượt qua các khác biệt, chung tay hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) trong việc kêu gọi các nghị viện trên toàn thế giới tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế.

“Trên tinh thần đó, các Nghị viện chúng ta cần thể hiện vai trò dẫn dắt và đồng hành với các Chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Chúng tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) trong việc kêu gọi các nghị viện trên toàn thế giới tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hoà Áo. Ảnh: Doãn Tấn

Từ thực tiễn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “người dân phải là trung tâm” cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được đảm bảo cơ bản các điều kiện sống an toàn và hạnh phúc, ấm no. Còn trong bài phát biểu tại phiên toàn thể “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế”. Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm cho rằng phát triển bền vững cần chú trọng vào việc chăm lo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Con người là nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mọi quốc gia, mục đích phát triển kinh tế-xã hội là để con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển - đó là yếu tố nền tảng vững chắc mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tái chế, tái sử dụng; nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường các nguồn lực và năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Một số lãnh đạo nghị viện phát biểu tại phiên họp này cũng đề cập đến những thách thức đang nổi lên trên thế giới hiện nay đe dọa sự phát triển bền vững như biến đối khí hậu, an ninh, môi trường…; thảo luận cách thức để cân bằng giữa phát triển và giữ gìn môi trường, đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân. 

Cũng tại Hội nghị lần này, Chủ tịch Quốc hội còn có 3 bài phát biểu tại các chuyên đề khác về Phục hồi sau đại dịch, Chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với Biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững, về Ứng phó với đại dịch COVID-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân… Các bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đều mang tính thời sự có tính  toàn cầu hiện nay, được các nhà Lãnh đạo Quốc hội các nước ghi nhận đánh giá cao, đóng góp vào Tuyên bố chung cũng như sự thành công tốt đẹp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  đã có rất nhiều hoạt động tiếp xúc song phương với Lãnh đạo IPU, Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị. Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội và các bên đều thống nhất thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước, khẳng định thông điệp về một đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là một quốc gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển và nỗ lực vươn lên... Tiếp ngay sau thành công của Đại hội đồng AIPA-42 tại Brunei bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia tích cực của Quốc hội Việt Nam, thì hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tổ chức trực tiếp tại Áo là sự kiện đa phương thứ 2 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự  với những đóng góp quan trọng, góp phần vào thành công chung của Hội nghị. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Eleanor Laing bền lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5

Chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Áo một lần nữa khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Việt Nam coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu

Thăm và làm việc tại Nghị viện Châu Âu/Liên minh Châu Âu và Vương quốc Bỉ, qua các cuộc hội kiến hội đàm với các nhà lãnh đạo, Chủ tịch Quốc hội đều khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu, mong muốn tăng cường quan hệ, chia sẻ lợi ích trong nhiều lĩnh vực. Các bên cũng đã trao đổi hàng loạt các vấn đề nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nghị viện, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU, Việt Nam-EP và Việt Nam - Vương quốc Bỉ phát triển mạnh mẽ vì lơi ích của cả hai bên. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU(EVFTA) có hiệu lực từ 01/8/2020, bước đầu đã góp phần tích cực thúc đẩy kim ngạch thương mại và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU và cả Vương quốc Bỉ.

Các nhà lãnh đạo hai bên cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội thương mại và đầu tư mới. Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại một cách toàn diện, tại tất cả các cuôc hội đàm, hội kiến hay tiếp các Lãnh đạo Tập đoàn, Nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều bày tỏ mong muốn EP và Nghị viện các nước Châu ÂU chưa phê chuẩn EVIPA sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định quan trọng này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để thực thi EVFTA một cách hiệu quả nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ và hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli. Ảnh: Doãn Tấn

Trong chuyến tham dự Hội nghị tại Áo, thăm EU, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hoà Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội đã giành nhiều thời gian để tiếp Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các đối tác đã đầu tư và đang có ý định hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Tại các cuộc làm việc này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp lắng nghe, ghi nhận những kết quả của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn mà các nhà đầu tư đang gặp phải do những tác động của dịch Covid-19, nhiều ý định hợp tác đã phải gián đoạn hoặc chậm triển khai do dịch bệnh. Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất cụ thể của các nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các Lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội và các Bộ trưởng là thành viên chính thức của Đoàn ghi nhận, tổng hợp và trực tiếp trao đổi làm rõ những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và sẽ có những chính sách pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đại diện một số Tập đoàn, Công ty tại Bỉ

Một nội dung khác cũng được Chủ tịch Quốc hội luôn chủ động trong các cuộc làm việc với các nhà Lãnh đạo Châu Âu về phát triển nghề cá bền vững, cho biết thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ và hoàn thành cơ bản quy định của EU về phát triển nghề cá bền vững, đề nghị Nghị viện Châu Âu và các nước ủng hộ, thúc đẩy Uỷ ban Châu Âu EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác có tiềm năng lớn giữa Việt Nam với các nước EU. Là thành viên chính thức của Đoàn trong chuyến thăm và làm việc này có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.. Cùng với các cuộc gặp gỡ tiếp xúc cùng Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng đã trực tiếp có các cuộc làm việc rất thực chất với các đối tác tại nước mà Đoàn đến thăm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bạn trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hợp tác nông nghiệp… để có những định hướng hợp tác trong và sau dịch covid-19.

Thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 28 năm, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan nói chung và với Quốc hội Phần Lan nói riêng. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội khóa XV tới Phần Lan cũng thể hiện Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai bên sớm nối lại các hoạt động trao đổi đoàn, bao gồm đoàn cấp cao và cấp bộ, ngành, địa phương, đồng thời khôi phục các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường quan hệ với Quốc hội Phần Lan, để trở thành một kênh hợp tác quan trọng giữa hai nước, chú trọng hợp tác giữa các nhóm nữ Nghị sĩ, Nghị sĩ trẻ, các Ủy ban chuyên môn để trao đổi bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hai nước đã ký kết. 

Trong chuyến thăm và làm việc tại Áo, Bỉ và Phần Lan, mặc dù các chương trình hoạt động chính thức của Đoàn dày đặc và phong phú nhưng Chủ tịch Quốc hội đều dành thời gian đến thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong đoàn đều coi là những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con với quê hương, đất nước cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đó là những vấn đề mà theo Chủ tịch Quốc hội là kiến nghị rất chính đáng về chương trình đào tạo cho các thế hệ con em người Việt Nam ở nước ngoài, về việc có thể xem xét cấp quốc tịch thứ hai cho kiều bào…Bày tỏ xúc động vì nhiều bà con người Việt đã không quản ngại đường xa, từ nhiều nước như Đức, Ba Lan, Séc, Slovakia, Hunggary đến Áo để chào Chủ tịch Quốc hội và dự cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt này. Chủ tịch Quốc hội đã lắng nghe, ghi nhận từng ý kiến của bà con, vui mừng vì bà con cộng đồng người Việt Nam tại đây luôn đoàn kết, nỗ lực trong công việc và hướng về Tổ quốc với tất cả tấm lòng và tình cảm của những người con xa quê. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài và mới đây Bộ Chính trị đã có Kết luận 12 thực hiện Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều điểm mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen. Ảnh: Doãn Tấn

​Chủ tịch Quốc hội cũng không quên chia sẻ với những khó khăn của bà con Việt kiều bị ảnh hưởng và tác động của dịch Covid-19 và biểu dương bà con inh thần đoàn kết, phát huy văn hoá truyền thống dân tộc. Tuy còn khó khăn nhưng bà con Kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước bằng những đóng góp thiết thực, gửi về giúp đỡ nhân dân ở trong nước phòng chống dịch... Thông báo thêm về những thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước trong năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", mong bà con tiếp tục đoàn kết và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Thực hiện hiệu quả chủ trương ngoại giao vaccine

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Hà Nội và các tỉnh lân cận, mục tiêu thực hiện chủ trương ngoại giao vacicie được thể hiện trong tất cả các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta.

Trước khi bắt đầu chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp gửi Thư cho Chủ tịch Quốc hội của các nước Liên minh châu Âu cảm ơn sự hỗ trợ, sự quan tâm của các nước và đề nghị Chính phủ các nước hỗ trợ Việt Nam vaccine và các trang thiết bị y tế phòng chống dịch. 

Tại các hội đàm, hội kiến các Lãnh đạo các nước cũng như các cuốc gặp gỡ các đại diện các Tập đoàn kinh tế, các Nhà đầu tư các nước châu Âu, Chủ tịch Quốc hội đều nêu rõ, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đề nghị bạn hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine, nhượng lại vaccine chưa cần sử dụng, hỗ trợ cung cấp vật tư y tế như máy thở, bộ kít xét nghiệm Covid để bảo vệ sức khỏe nhân dân… Đáng mừng là những nỗ lực của cá nhân Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã mang lại kết quả quan trọng ngay trong chuyến công tác. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vaccine cho Việt Nam và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine; Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỉ đồng (không bao gồm 200.000 liều vắc xin do Bỉ và Slovakia tài trợ và một số vật tư y tế khác). Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, một số hợp đồng liên quan đến sản xuất kit xét nghiệm, nghiên cứu và sản xuất vaccine đã được ký kết. Cụ thể, Tập đoàn T&T đã ký với đối tác Đức hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất Testkit PCR trị giá 80 triệu euro, tương đương 2,160 tỉ đồng; với đối tác Tây Ban Nha hợp đồng hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và sản xuất, đặt mua vaccine, số lượng 50 triệu liều, trị giá 375 triệu euro, tương đương với 10,125 tỉ đồng. Tổng giá trị các hợp đồng là 12,285 tỉ đồng. Toàn bộ số vaccine và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch đã được chở về Việt Nam và trao cho đại diện Chính phủ và Bộ Y tế  để nhanh chóng chuyển đến các tỉnh thành phục vụ phòng chống dịch. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu, Đại sứ chứng kiến Lễ bàn giao 200.000 liều vaccine AstraZeneca và số thiết bị, vật tư y tế với tổng trị giá 1.028 tỷ đồng cho đại diện Bộ Y tế

​Như vậy, chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại châu Âu đã thành công tốt đẹp. Tham gia Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, khẳng định Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Cùng với những thành công tốt đẹp về chính trị, ngoại giao và kinh tế, xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và các nước đến thăm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, kết quả công tác ngoại giao vaccine trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại châu Âu là rất quan trọng và có ý nghĩa. Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè các nước, cùng với sự chia sẻ trong công tác phòng chống dịch, tổng trị giá số trang thiết bị y tế, vật tư và vaccine mà các nước chia sẻ, ủng hộ Việt Nam lên đến hơn 1.000 tỷ đồng từ các Chính phủ, Nhà đầu tư, đối tác, doanh nghiệp khu vực châu Âu và nhiều dự án hợp tác về sản xuất vaccine và thiết bị phòng, chống dịch giữa các Nhà đầu tư và Việt Nam đã được ký kết trị giá lên tới 12,285 tỷ đồng. Điều này thể hiện Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng đã, đang có vị trí, vai trò quan trọng đối với Liên minh châu Âu, nghị viện châu Âu và các nước Liên minh châu Âu. Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Cùng với những thành công to lớn về chính trị, ngoại giao nghị viện, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư thì kết quả ngoại giao vaccine cũng chính là những thành công, kết quả cụ thể quan trọng để Đoàn cấp cao Quốc hội báo cáo kết quả chuyến công tác với nhân dân. Đồng thời khẳng định, Quốc hội đang tiếp tục đổi mới là một Quốc hội hành động, lấy thực tiễn cuộc sống để ban hành chính sách và giám sát thực hiện hiệu quả chính sách trong cuộc sống"./.

Đặng Linh

Các bài viết khác