ĐẠI SỨ ẤN ĐỘ TẠI VIỆT NAM: VIỆT NAM LÀ TRỤ CỘT QUAN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH HÀNH ĐỘNG HƯỚNG ĐÔNG CỦA ẤN ĐỘ

15/12/2021

Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Ấn Độ từ 15 – 19/12/2021. Nhân sự kiện này, Ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã có một vài hia sẻ về sự kiện quan trọng này

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Việt Nam - Ấn Độ có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Thời gian qua, mối quan hệ ấy liên tục được củng cố, bồi đắp và xây dựng thông qua các hoạt động đối ngoại của mỗi nước. Hai nước cũng đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972 - 07/01/2022) vào năm 2022. Ấn Độ công bố Sáng kiến Ắn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI), trong đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc và duy trì ồn định ở khu vực; khẳng định coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” với các lĩnh vực họp tác chính là chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục.

Hai Bên cũng thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Đảng ta có quan hệ tốt đẹp với các đảng cộng sản, cánh tả chủ chốt và hai chính đảng lớn nhất của Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Đối với kinh thế, Ắn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất, đứng thứ 24 về đầu tư tại Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm…

Nhân sự kiện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã có một vài chia sẻ về sự kiện quan trọng này.

Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam

 

Phóng viên: Ngài có đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay?

Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Hiện nay, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được coi là “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, được xây dựng dựa trên sự tin cậy và hiểu biết sâu sắc về chính trị và chiến lược. Điều này được thể hiện qua các hoạt động hợp tác trên phạm vi rộng đang diễn ra giữa hai nước chúng ta, từ các hợp tác chính trị đến quan hệ đối tác kinh tế và phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Ngày nay, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác chính cho Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi. Mối quan hệ hợp tác bền chặt của chúng ta được thể hiện qua cam kết thực hiện một tầm nhìn chiến lược và dài hạn về mối quan hệ này dựa trên tầm nhìn tương tự và lợi ích chung của chúng ta đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chung.

Chúng ta cũng chia sẻ tầm nhìn phát triển tương tự với tư cách là hai xã hội đầy khát vọng với dân số trẻ khao khát sự tiến bộ và thịnh vượng. Tất cả những điều này cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển bền vững trong tương lai của quan hệ song phương giữa hai bên. Chúng ta đang đón chào mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam vào tháng 01/2022. Chúng tôi hoàn toàn tự tin và lạc quan về tương lai của mối quan hệ hữu nghị giữa chúng ta.

Phóng viên: Ngài có kỳ vọng như thế nào về chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ?

Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ tới Ấn Độ từ ngày 16-19/12 sẽ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng sẽ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Việt Nam kể từ khi Ban lãnh đạo mới của Việt Nam được bầu ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vào đầu năm nay. Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Việt Nam sắp kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao.

Do đó, đây là một chuyến thăm mang tính bước ngoặt và sẽ cho phép các nhà lãnh đạo hai Bên trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm bối cảnh của đại dịch COVID-19 và mục tiêu chung của chúng ta trong việc phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Chuyến thăm cũng sẽ cho chúng ta một cơ hội quý giá để khẳng định mong muốn chung của hai Bên là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai Quốc hội và hai dân tộc.

Phóng viên: Ngài có đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác Nghị viện giữa hai nước?

Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Là thể chế đại diện cho ý chí của người dân, trao đổi giữa Quốc hội của hai Bên là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác bền vững và quan hệ hữu nghị mà hai nước chúng ta cùng có. Trao đổi cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Nghị viện của chúng ta và hợp tác chặt chẽ giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước, cũng như thúc đẩy mục tiêu chung của chúng ta đối với nền quản trị lấy người dân làm trung tâm, thông qua trao đổi quan điểm về các ưu tiên lập pháp tương ứng và các biện pháp thực hành tốt nhất của chúng tôi.

Phóng viên: Ngài có thể chia sẻ những ưu tiên trong việc phát triển quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình?

Ngài Pranay Verma – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Kết nối mọi người là nền tảng cơ bản nhất của bất kỳ mối quan hệ nào và do đó, thúc đẩy giao lưu nhân dân là một lĩnh vực ưu tiên của tôi.

Giao lưu nhân dân yêu cầu kết nối cả về vật lý cũng như kỹ thuật số giữa hai Bên. Nó cũng đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về lịch sử hợp tác tuyệt vời của chúng ta, cả trong quá khứ và hiện nay với tư cách hai quốc gia hiện đại giành được độc lập trong thế kỷ 20.

Tôi cố gắng làm điều đó bằng cách tiếp cận với giới trẻ và nói chuyện với họ về mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, về những gì chúng ta đã đóng góp cho sự phát triển đất nước của nhau. Chúng ta đã sát cánh bên nhau như thế nào trong những thời điểm khó khăn và đóng vai trò như những đối tác kiên định trong hành trình phát triển của hai bên. Điều rất quan trọng là để thế hệ trẻ của hai quốc gia hiểu được ý nghĩa của mối quan hệ đối tác này.

Tôi cũng quan tâm đến việc giới thiệu và khẳng định lại mối liên hệ văn minh lịch sử chung của chúng ta. Đôi khi chiều sâu của mối liên hệ lịch sử này không được hiểu rõ. Những di sản Phật giáo chung, điểm tương đồng về văn hóa của hai Bên. Ví dụ như các di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối liên hệ lịch sử chặt chẽ của chúng ta và tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ song phương hiện tại và tương lai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ngài!

Kim Ngọc - Vân Hương