TS.LÊ THỊ HẰNG NGA: HỢP TÁC NGHỊ VIỆN TÍCH CỰC SẼ GÓP PHẦN THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ PHÁT TRIỂN THỰC CHẤT VÀ HIỆU QUẢ

16/12/2021

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nêu quan điểm: Hợp tác Nghị viện tích cực giữa hai nước chắc chắn sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả.


Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập mối quan hệ từ năm 1972 và sang năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 50 năm, các thế hệ lãnh đạo hai nước luôn không ngừng vun đắp, củng cố và xây dựng quan hệ ngày càng phát triển.

Việt Nam được đánh giá là có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ xét trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, chiến lược và văn hóa… Thời gian gần đây, các học giả Ấn Độ ủng hộ quan điểm Ấn Độ cần hợp tác mạnh mẽ với các đối tác tầm trung để nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia này trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong số các nước tầm trung này, Việt Nam được Ấn Độ đánh giá cao. Không ai có thể nghi ngờ vị trí trụ cột của Việt Nam trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ.


Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ đón Chủ tịch Vương Đình Huệ cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay (Ảnh: Doãn Tấn).

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu được kỳ vọng sẽ tạo nên những xung lực mới cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước tại những thời điểm mang tính bước ngoặt. Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các địa phương hai nước.

Để nâng tầm ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ lên tầm cao mới, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của mỗi nước, trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định: Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chắc chắn sẽ giúp làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Nghị viện giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước. Hợp tác Nghị viện tích cực giữa hai nước chắc chắn sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả.

Phóng viên: Năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường đối ngoại trong thời gian qua, bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ, hợp tác của hai nước trên tất cả các lĩnh vực?

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (1972-2022). Trải qua 50 năm, các thế hệ lãnh đạo hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng vun đắp, củng cố và xây dựng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ mối quan hệ hữu nghị đến quan hệ ngoại giao đầy đủ năm 1972, đến Quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2003, Đối tác Chiến lược năm 2007 và Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Trong khi nhiều mối quan hệ quốc tế khác có những thăng trầm nhất định, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn phát triển đi lên. Hiện nay, “Tầm nhìn chung vì Hoà bình, Thịnh vượng và Con người”, được ký kết tại cuộc họp trực tuyến cấp cao đầu tiên giữa hai Thủ tướng Narendra Modi và Nguyễn Xuân Phúc (21/12/2020) là kim chỉ nam vạch ra hướng đi cho quan hệ hai nước ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Có thể nói, nửa thế kỷ trôi qua, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực đã tiến được những bước rất dài trên cả 5 trụ cột: chính trị-ngoại giao; quốc phòng-an ninh; kinh tế-thương mại; khoa học công nghệ; văn hóa và giao lưu nhân dân.

Về chính trị - ngoại giao: Các chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên. Riêng trong 5 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, từ phía Ấn Độ thăm Việt Nam, có Thủ tướng Narendra Modi thăm Việt Nam vào tháng 9/2016; Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018); Phó Tổng thống Venkaiah Naidu (5/2019). Từ phía Việt Nam thăm Ấn Độ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh (7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (1/2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (2/2020).

Khi xảy ra đại dịch COVID-19, các chuyến thăm trực tiếp được thay thế bằng các hình thức trao đổi trực tuyến: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Narendra Modi (tháng 12/2020); điện đàm với Thủ tướng Modi (13/4/2021); Bộ trưởng Ngoại giao hai nước điện đàm và gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Hoa Kỳ (11/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (9/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi không lâu sau thời gian nhậm chức và gặp gỡ trực tiếp Thủ tướng Modi bên lề Hội nghị COP26 ở Glasgow (31/10/2021)… Sự gặp gỡ, trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thể hiện sự coi trọng quan hệ song phương và “lòng tin chiến lược” của hai nước đối với nhau.


Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Về quốc phòng - an ninh: So với các trụ cột khác, hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này bắt đầu muộn hơn nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Từ cuối những năm 1990, với thế mạnh của mình, Ấn Độ đã hỗ trợ tích cực Bộ Quốc phòng Việt Nam trong công tác đào tạo và công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp và xây dựng đội tàu chiến và máy bay tuần tra cũng như các nhân viên kỹ thuật trong lực lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân và các chuyên gia kỹ thuật trong quân đội Việt Nam.

Hiện nay, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục là trụ cột chính trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước và là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoà bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước liên tục được củng cố thông qua các cơ chế, hình thức trao đổi, tiếp xúc như: tham vấn được thể chế hoá giữa hai Bộ Quốc phòng với cả ba Quân chủng và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển; các chuyến tàu Ấn Độ thăm Việt Nam thường xuyên; các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực được thúc đẩy. Việt Nam và Ấn Độ cũng hợp tác tích cực về công nghiệp quốc phòng. Ấn Độ đã dành cho Việt Nam những gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu và 500 triệu USD. Tháng 12/2020, Việt Nam và Ấn Độ ký thoả thuận hợp tác trong đó Ấn Độ đồng ý hỗ trợ 5 triệu USD cho Việt Nam xây dựng Công viên Phần mềm Quân đội tại Đại học Viễn thông Quốc gia, Nha Trang. Công viên Phần mềm Quân đội là một biểu tượng cho quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ thời hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho lực lượng quốc phòng Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Ấn Độ hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hiện nay, hai nước hợp tác chặt chẽ trong chống khủng bố, an ninh hàng hải và an ninh mạng. Về chống khủng bố, hai nước hợp tác chống khủng bố xuyên biên giới, Công ước Toàn diện về Khủng bố Quốc tế CCIT, chống tài trợ khủng bố, không biện minh cho khủng bố. Về an ninh hàng hải, Ấn Độ và Việt Nam đã tiến hành Đối thoại An ninh Hàng hải. Ngoài ra, hai nước còn tăng cường hợp tác để đối phó hiệu quả với các hiểm hoạ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, an ninh năng lượng, HIV/AIDs và dịch bệnh. Sự hỗ trợ lẫn nhau trong đại dịch COVID-19 thể hiện sự chia sẻ và đồng cảm của mối quan hệ thủy chung Việt Nam - Ấn Độ. Mức độ hợp tác quốc phòng - an ninh sâu rộng giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những thập niên gần đây có thể coi là đã vượt mức quan hệ thông thường giữa các quốc gia.

Về kinh tế, quan hệ thương mại: Việt Nam và Ấn Độ đã có những phát triển đều đặn từ khi hai nước tiến hành đổi mới, mở cửa nền kinh tế những năm cuối thập niên 1980 và thập niên 1990. Hợp tác kinh tế hai nước có những bước đột phá mới khi hai nước bước sang thế kỷ 21. Hiện nay, bất chấp bối cảnh đại dịch, trao đổi thương mại hai nước không những được duy trì mà còn đạt được những kết quả đáng khích lệ, có những lúc tăng ở con số 28% (Đại sứ Phạm Sanh Châu). Như được chỉ ra bởi Đại sứ Phạm Sanh Châu, thương mại hai chiều đã đạt được con số 13 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch. Hiện nay, đang có một trào lưu các nhà đầu tư Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và năng lượng, khai thác dầu và chế biến hoá dầu.

Về khoa học công nghệ: Việt Nam và Ấn Độ nhận ra tầm quan trọng của hợp tác về khoa học kỹ thuật từ khá sớm và đã ký kết một số thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực này từ những năm 1970. Thoả thuận hợp tác khoa học kỹ thuật đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được ký kết vào năm 1978 và được làm mới vào năm 1996. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ cùng xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những hướng đi trong chiến lược phát triển của mình. Kế hoạch phát triển 5 năm và Chiến lược phát triển đến năm 2030 của Việt Nam, được thông qua tại Hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN. Trong chiến lược “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat) nhằm biến Ấn Độ trở thành một “cường quốc” có GDP 5 nghìn tỷ USD trong thời gian sớm nhất, Ấn Độ cũng dành ưu tiên cho phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo. Vì vậy, trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, hai nước cho rằng, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ cần phải có sự hợp tác sâu hơn, chặt chẽ hơn về KH&CN.

Về văn hoá, giao lưu nhân dân: Đây cũng là một trong những trụ cột trong quan hệ hai nước. Giao lưu văn hoá và nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ đã khởi nguồn từ trước khi có quan hệ chính thức ở cấp chính phủ hàng nghìn năm thông qua các thương gia, tu sĩ Phật giáo và Bà la môn giáo. Trong thời hiện đại, những di sản giao lưu văn hoá - con người giữa hai nước tiếp tục được trân trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy. Sau khi Ấn Độ và Việt Nam giành được độc lập từ chế độ thực dân, chính những lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng và truyền cảm hứng cho quan hệ song phương phát triển. Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa kết nối Việt Nam và Ấn Độ. Tháng 8/2018, tượng bán thân Mahatma Gandhi đã được dựng tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Ngày 2/9/2021, tượng bán thân của Hồ Chí Minh đã được dựng tại Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.

Kết nối con người thông qua Phật giáo có thể xem là điển hình cho sự gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, đã có một số vị Tăng Ni từ Việt Nam sang Ấn Độ du học Phật học. Sau độc lập, Hoà thượng Thích Minh Châu là vị Tăng Việt Nam đầu tiên sang Ấn Độ học Phật học trong những năm 1955-1963. Ngài đã đạt được vị trí thủ khoa chương trình Thạc sĩ, hoàn thành xuất sắc chương trình Tiến sĩ và được Tổng thống Ấn Độ S. Radhakrishnan trao bằng với những lời khen ngợi trong lễ tốt nghiệp. Sau đó, hàng trăm Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã sang Ấn Độ học Phật học ở nhiều trường đại học khác nhau, trở thành sợi dây kết nối vững chắc giữa Việt Nam và Ấn Độ hôm nay.


Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng bà con kiều bào chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam (Ảnh: Doãn Tấn).

Tóm lại, cùng với việc hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1972, quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân liên tục phát triển đi lên và đạt được nhiều bước tiến quan trọng, với đỉnh cao là thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016. Khi xảy ra đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, vượt qua những cú sốc ban đầu, quan hệ giữa hai nước nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và  phát triển gần như liên tục, không có sự gián đoạn lớn.

Phóng viên: Từ ngày 15-19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ. Xin bà cho biết, tầm quan trọng của chuyến thăm này trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay?

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc đi lại, thăm viếng giữa các quốc gia cần phải hạn chế tối đa, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách của Việt Nam và ngược lại. Thời gian gần đây, các học giả Ấn Độ ủng hộ quan điểm Ấn Độ cần hợp tác mạnh mẽ với các đối tác tầm trung để nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia này trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong số các nước tầm trung này, Việt Nam được Ấn Độ đánh giá cao. Không ai có thể nghi ngờ vị trí trụ cột của Việt Nam trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ.

Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ xét trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, chiến lược và văn hóa. Về chính trị, Ấn Độ coi Việt Nam là người bạn truyền thống đáng tin cậy của Ấn Độ. Về kinh tế, Ấn Độ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và khả năng ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19. Về chiến lược, chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh địa chính trị thay đổi liên tục ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ tin rằng, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của mỗi nước mà còn góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực rộng lớn hơn. Về văn hóa, Việt Nam được coi là đối tác quan trọng trong chiến lược ngoại giao sức mạnh mềm, ngoại giao văn hóa của Ấn Độ.

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Ấn Độ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội sau khi nhận nhiệm vụ, khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới của Quốc hội mới và Chính phủ mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Khi các chuyến thăm được thực hiện ít hơn và có chọn lọc hơn, các chuyến thăm trở nên quan trọng hơn và được mong đợi nhiều hơn. Chuyến thăm này thu hút sự quan tâm của truyền thông hai nước và tôi tin rằng, chuyến thăm sẽ tạo nên những xung lực mới cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước tại những thời điểm mang tính bước ngoặt. Chúng ta biết rằng, năm 2022 có những sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương khi hai nước tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và 6 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. 

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại của Quốc hội. Không chỉ là cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, đó còn là cơ quan có thể góp phần triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước thông qua kênh hợp tác nghị viện với các nước. Chúng ta biết rằng, không dừng lại ở hợp tác nghị viện, chuyến thăm còn thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, môi trường, y tế, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam… Điều này thể hiện ở thành phần đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm này. Bên cạnh các đại biểu của Quốc hội, chuyến thăm còn có sự tham gia của các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các địa phương hai nước. Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội cũng có sự tham gia của Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau.

Phóng viên: Việt Nam - Ấn Độ đã trở thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Bà có thể cho biết quan điểm về mối quan hệ giữa hai nước cần được thúc đẩy trong thời gian tới như thế nào sao cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai nước?

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Ở Việt Nam, việc nhìn nhận về vai trò tích cực của Ấn Độ trong khu vực và thế giới cũng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Có lẽ, cũng giống như đất nước Ấn Độ luôn tồn tại những nghịch lý, trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng tồn tại một nghịch lý giữa quan hệ chính trị rất tốt đẹp ở tầm cao và sự triển khai chưa thật sự hiệu quả ở tầm thấp. Thực tế, triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyên gia của cả hai phía đều chưa hài lòng với thực trạng hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Các học giả chia sẻ quan điểm rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy quan hệ song phương. Vì vậy, trong thời gian tới, để mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất, hai phía còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hai bên đã có nhiều cơ chế thúc đẩy hợp tác nhưng những cơ chế này giống như một cỗ máy với nhiều bộ phận hoàn hảo nhưng lại thiếu sự kết nối giữa các bộ phận nên khó hoặc không vận hành được. Để cỗ máy có thể vận hành trơn tru, cần có sự tương thích, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, ở tất cả các cấp.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng bà con kiều bào (Ảnh: Doãn Tấn).

Một trong những khó khăn cản trở hợp tác hiệu quả giữa hai nước là do hai bên chưa hiểu rõ cách thức làm việc của nhau. Song song với các kênh ngoại giao chính thức, hai nước cần thúc đẩy ngoại giao kênh 2, giao lưu học giả, nhân dân thông qua các cơ quan đối ngoại như Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông như Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á…

Ở Việt Nam hiện nay, những thông tin về Ấn Độ đã tăng lên. Tuy nhiên, nhận thức của đa số người Việt về Ấn Độ vẫn còn nhiều thành kiến, chưa toàn diện và bị bóp méo do ảnh hưởng của truyền thông sai lệch. Thế giới hiện đại phát triển những phương tiện truyền thông mới với tốc độ chóng mặt và điều này, bên cạnh tác động tích cực còn có tác động tiêu cực trong việc làm lan tràn cái xấu, đúng như nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói: “Cái xấu có cánh và di chuyển với tốc độ quá nhanh trong khi cái tốt thì bò chậm như sên”. Để thay đổi nhận thức của người Việt, phía Việt Nam cần thúc đẩy truyền thông tích cực về Ấn Độ.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tiếp tục chịu sự tác động chính từ những yêu cầu đặt ra của tình hình và mục tiêu phát triển trong nước của mỗi nước. Để mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong thời gian tới, hai nước phải tập trung vào những khía cạnh ưu tiên như kết nối, bao gồm kết nối vật lý - đường bộ, đường biển và đường hàng không; tăng cường thương mại và chuỗi cung ứng mới; thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng; hợp tác khoa học công nghệ - công nghệ thông tin truyền thông, vũ trụ, hạt nhân dân dụng, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số; thúc đẩy ngoại giao nhân dân, trao đổi nghiên cứu, giao lưu học giả bằng nhiều hình thức khác nhau để tăng cường hiểu biết về văn hoá và cách thức làm việc của nhau.

Phóng viên: Được biết, Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ đã ký Thỏa thuận hợp tác (tháng 12/2016) nhân chuyến thăm Ấn Độ của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hoạt động trao đổi đoàn giữa các Cơ quan lập pháp hai nước được duy trì thường xuyên. Cùng với Đoàn Cấp cao, cấp Ủy ban, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị có nhiều hoạt động trao đổi, tiếp xúc linh hoạt dưới nhiều trực tuyến và trực tiếp. Hiện Cơ quan lập pháp hai nước đang phối hợp, hợp tác tập trung vào những nội dung như: Phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước; trao đổi các ấn phẩm về hệ thống pháp luật và các vấn đề liên quan nhằm tăng cường thông tin, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm… Theo bà, các hoạt động này nên được tăng cường trong thời gian tới như thế nào để phù hợp với luật pháp của mỗi nước nhưng vẫn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới?

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á: Từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước được củng cố và phát triển tích cực. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ đã ký Thoả thuận hợp tác vào tháng 12/2016 nhân chuyến thăm Ấn Độ của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau 5 năm ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai Nghị viện là sự kiện diễn ra đúng thời điểm để hai bên có điều kiện nhìn lại hiệu quả hợp tác trong thời gian qua và từ đó có những điều chỉnh mới phù hợp cho thời gian sắp tới.

Tôi cho rằng, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chắc chắn sẽ giúp làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Nghị viện giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước. Dù thể chế chính trị hai nước có khác nhau, trong khi Ấn Độ theo chế độ liên bang có sự tồn tại của đa đảng, Việt Nam có thể chế chính trị đơn nhất và dưới sự lãnh đạo của một đảng, Quốc hội hai nước có những cách vận hành khác nhau phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Tuy nhiên, Quốc hội hai nước cùng đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng của mỗi nước, đó là những cơ quan lập pháp cao nhất, đại diện cho cử tri và nhân dân, giám sát hoạt động của chính phủ thông qua hoạt động chất vấn… Quốc hội hai nước có ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng chính sách của mỗi nước trong mối quan hệ với nước còn lại. Hợp tác Nghị viện tích cực giữa hai nước chắc chắn sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển thực chất và hiệu quả.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bích Lan