Toàn cảnh cuộc gặp mặt
Dự cuộc gặp mặt có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu là thành viên Hội đồng dân tộc, các đại biểu Quốc hội khóa XV là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là hoạt động quan trọng, đầy ý nghĩa, thấm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc, biểu hiện của sự thống nhất ý chí và hành động, ý thức trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước cử tri cả nước nói chung và cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, 89 đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là những người ưu tú, hạt nhân tiêu biểu đại diện cho 30 thành phần dân tộc thiểu số, đến từ 35 tỉnh, thành trên cả nước. Đây chính là minh chứng sinh động, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tham gia vào cơ quan lập pháp. Nhiều đại biểu đang giữ vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội hy vọng và tin tưởng rằng, mỗi đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số không ngừng cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, luôn phấn đấu, xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của cử tri cả nước và đặc biệt là đồng bào, cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán xác định đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước ta, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, địa bàn sản xuất khó khăn, hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là nơi chậm phát triển, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số thấp so với mặt bằng chung cả nước với nguy cơ khoảng cách chênh lệch ngày càng cao. Để khắc phục thực trạng nêu trên, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chỉ rõ định hướng: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Để đạt được các mục tiêu và đòi hỏi cấp bách trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số khóa XV cần quan tâm, góp phần cùng với Quốc hội tập trung giám sát, để cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Thứ nhất, chủ động, tích cực và khẩn trương hơn nữa trong việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch giám sát, để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục phát huy tốt tinh thần tự lực vươn lên, tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các địa phương, sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các doanh nghiệp với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ hai, đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác dân tộc đối với cán bộ, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.
Thứ ba, tích cực nghiên cứu, đề xuất và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thành các chương trình, mục tiêu; quan tâm cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước ở miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước.
Thứ tư, tập trung tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tăng cường đầu tư, ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; đặc biệt quan tâm chính sách phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng; xây dựng nông thôn mới; tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, tham gia góp phần trong Quốc hội thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm chủ trương, đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống của đông đảo nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới.
Thứ sáu, thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri, đặc biệt là cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ vai trò cầu nối, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Để có kiến nghị đề xuất phù hợp với tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số với các cơ quan có thẩm quyền, quan tâm, xem xét giải quyết những vấn đề bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở. Đồng thời quan tâm đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn xung yếu, biên giới và hải đảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số tích cực học hỏi kinh nghiệm trau dồi kiến thức tham gia đầy đủ và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội… quyết tâm nỗ lực đổi mới, đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV; đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc cho Nhân dân, hoàn thành tháng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần vào mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh; đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La và đại biểu Nàng Xô Vi, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum bày tỏ biết ơn chân thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số; khẳng định đồng bào các dân tộc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, y tế, giáo dục, bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc, nhờ đó, đời sống bà vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên; hứa tuyên truyền bà con chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê-Kđăm phát biểu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê-Kđăm bày tỏ xúc động trước sự quan tâm sâu sắc, động viên kịp thời, khích lệ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số nói chung, cũng như các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số nói riêng. Lĩnh hội đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để các vùng này khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển cùng đất nước.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh cuộc gặp mặt:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê-Kđăm tại cuộc gặp mặt
Các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số tại cuộc gặp mặt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số tích cực học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức tham gia đầy đủ và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội…
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ biết ơn chân thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La khẳng định đồng bào các dân tộc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, y tế, giáo dục, bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc
Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum khẳng định đời sống bà vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm và giao lưu cùng các đại biểu tại cuộc gặp mặt./.