ĐBQH Huỳnh Nghĩa: Cần quy định cụ thể cơ chế xử lý cán bộ và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực đầu tư công

24/05/2014

Một, về tiêu chí phân loại dự án nhóm a, b, c tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10, tôi cho rằng việc phân loại các nhóm dự án đầu tư công là vấn đề rất quan trọng. Luật đầu tư công muốn thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch thì việc phân loại phải rõ ràng, cụ thể, do đó luật cần phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C. Tuy nhiên, cách phân loại dự án tại điều luật này chủ yếu dựa vào quy mô dự án, tính chất dự án mà chưa dựa vào tính chất của nguồn vốn của đầu tư công, chưa phân định nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư do ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương để xác định thẩm quyền từng cấp, thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tính chất phân định này chưa tạo điều kiện chủ động cho địa phương có điều kiện tự cân đối ngân sách đầu tư và không khuyến khích cho các địa phương chưa tự cân đối phấn đấu. Dự án luật cũng chưa quy định cụ thể tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công, khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến để đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hai, về quyền quyết định chủ trương đầu tư tại Điều 17. Một là về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm a từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Khoản 2, Điều 39 Luật xây dựng quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người phê duyệt các dự án nhóm a đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên tại Điểm b, Khoản 5, Điều 17 luật này quy định các dự án nhóm a đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Quy định này dẫn đến sự mâu thuẫn và bất hợp lý, bởi đây là việc đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ và không tăng tính chủ động tự chịu trách nhiệm của các địa phương đối với ngân sách cấp mình. Đồng thời quy định này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính rườm rà, dẫn đến các địa phương tìm cách lách luật như phê duyệt dự án dưới tổng mức đầu tư quy định sau đó khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh lại. Do vậy, tôi đề nghị điều chỉnh Điểm b, Khoản 5, Điều 17 theo hướng giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm a từ nguồn vốn ngân sách địa phương không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc quản lý sử dụng nguồn lực của mình.

Hai, về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư ở địa phương, đây là vấn đề mấu chốt cực kỳ quan trọng, Khoản 5, Điều 17 quy định Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư từ các dự án nhóm B, còn lại các dự án nhóm C thì Khoản 6, Điều 17 quy định giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đây là điều cần xem lại, vì trong thực tế tại địa phương và rất nhiều năm mới có một dự án nhóm B, còn lại gần 99% là các dự án nhóm C, dưới 120 tỷ đồng là các dự án dân sinh liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, nhưng chỉ để một người quyết định là không ổn, tiền của dân phải được giám sát thông qua đại biểu của nhân dân dù chỉ một đồng, muốn đầu tư vào đâu thì phải được sự đồng ý của dân, đại biểu sẽ chịu trách nhiệm trước dân khi quyết định vấn đề này. Do đó, tôi đề nghị đưa Khoản 6 vào Khoản 5 giao cho Hội đồng nhân dân quyết định cụ thể các dự án nhóm C.

Ba, về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan quyết định chủ trương đầu tư, Điều 95, điều luật này quy định các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định dự án, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí do lỗi mình gây ra thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay việc bồi thường thiệt hại là tuân theo Luật bồi thường nhà nước. Trong thực tế thời gian qua, chúng ta mới chỉ làm một việc, nói một việc là dùng ngân sách nhà nước để bồi thường cho dân. Còn việc bồi hoàn thì xử phạt cán bộ sai phạm chưa được thực hiện nghiêm túc, gây mất lòng tin trong nhân dân, đồng thời gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước thì liệu rằng khi thông qua dự luật này, đối tượng phải xử lý chịu trách nhiệm bồi thường trong đầu tư công chủ yếu giữ các chức vụ cao, quan trọng, chủ chốt trong bộ máy nhà nước là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trở lên thì xử lý thế nào.

Ngoài ra, điều luật này quy định người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, người lập, thẩm định dự án chỉ bị bồi thường, bị xử lý do lỗi của mình gây ra. Đây là vấn đề rất phức tạp, vì trong thực tế thành tích thì ai cũng kê khai, nhận về mình, còn khi xảy ra khuyết điểm, sai phạm thì lại tìm mọi cách lẩn tránh trách nhiệm, lúc đó sẽ xử lý thế nào, nhất là trong trường hợp đối tượng vi phạm đang giữ chức vụ chủ chốt của ngành, địa phương. Đây là những vấn đề rất lớn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xử lý, phân định rõ mức độ chịu trách nhiệm của 2 loại chủ thể này ngay trong luật, nhất là đối với dự án đầu tư có số tiền đặc biệt lớn, có như vậy thì việc xử lý trách nhiệm cán bộ sai phạm và bồi thường thiệt hại mới đảm bảo tính khả thi.

Các bài viết khác