ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Quy định về quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động chưa thật sự công bằng

27/05/2014

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, các thủ tục và thời gian để thực hiện các thủ tục trong quá trình giải quyết phá sản còn rườm rà, mất thời gian và chưa thực sự bảo đảm công bằng cho các bên liên quan. Các ĐBQH đề nghị, cần áp dụng cải cách hành chính mạnh mẽ trong quá trình giải quyết phá sản, tính toán hợp lý hơn về thời gian, trình tự thủ tục phá sản để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Rà soát, đối chiếu với mối quan hệ, lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động, tôi thấy, những quy định trong dự thảo Luật về quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động chưa thật sự công bằng trong việc điều chỉnh pháp luật.

Điều 5, quy định: Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tại khoản 1, Điều 5 quy định là phải mở thủ tục phá sản, đối với người lao động phải mất trong vòng 3 tháng khi doanh nghiệp không thanh toán. Khoản 2, Điều 5 nếu chủ nợ cũng phải thực hiện mất 3 tháng mới được quyền nộp đơn. Như vậy, quy định ở khoản 1, khoản 2, Điều 5 chúng tôi thấy, việc chủ doanh nghiệp hay hợp tác xã vi phạm hợp đồng lao động nghĩa là đã vi phạm đến 3 tháng chứ không phải chỉ 1 tháng. Như vậy trình tự để người lao động không được hưởng lương trong thời gian 3 tháng này đã quá hạn 3 tháng chứ không phải đến hạn 3 tháng. Mặt khác, chúng tôi thấy quy định việc này chưa thật sự công bằng, sòng phẳng trong mối quan hệ lao động và đặc biệt xử lý tình trạng thủ tục phá sản như vừa qua gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng ta thấy, từ khi người lao động, chủ nợ đưa thủ tục phá sản thì đã quá thời hạn 3 tháng. Mặt khác tại khoản 1, Điều 30 là khi tiếp nhận thì phải phân công thẩm phán 3 ngày. Tại khoản 1, Điều 31, 3 ngày làm việc thì người phải xem xét đơn, nhưng nếu xem xét đơn có trục trặc, không phù hợp với nội dung thì người đó được quyền từ 10 đến 15 ngày mới có điều chỉnh, hướng dẫn đơn đó, mất thêm một khoảng thời gian. Khoản 3, Điều 31 là 10 ngày làm việc thì phải nộp lệ phí, nếu người lao động nộp lệ phí, tiền thì không có bao nhiêu nhưng người ta yêu cầu, luật quy định yêu cầu người lao động phải nộp lệ phí nữa thì tiền bạc, tỷ lệ nộp thế nào chắc chắn cũng gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo dự thảo Luật, việc kê biên tài sản phải 30 ngày, trường hợp có vấn đề gì khác được gia hạn tới 2 lần, mỗi lần gia hạn là 30 ngày, như vậy thì mất 3 tháng. Hay quy định về hội nghị chủ nợ tại khoản 1, Điều 79 thì hội nghị chủ nợ lần thứ nhất, nếu như không bảo đảm thì tiến hành lần thứ hai cũng mất thời gian. Tôi thấy, thủ tục quy định thời gian liên quan đến người lao động và chủ nợ rất mất thời gian và rất rườm rà. Tôi đề nghị, nên điều chỉnh các quy định của dự thảo Luật theo phương pháp cải cách thủ tục hành chính. Nên tính toán cho hợp lý về thời gian và trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian đưa ra vụ việc để tuyên bố phá sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động và ngăn bớt tình trạng hiện nay, nhiều doanh nghiệp tính toán với điều kiện này, điều kiện khác cố tình dây dưa không thực hiện các bước phá sản hoặc cố tình lợi dụng vấn đề này.

ĐBQH Trương Minh Hoàng - Cà Mau

Các bài viết khác