ĐBQH Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng: Băn khoăn về chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay

16/06/2014

Dự thảo Luật Quốc hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, kế thừa và pháp điển hóa nhiều quy định từ nội quy kỳ họp, các quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau.

Một, về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đưa ra dự thảo quy định cụ thể hơn theo hướng tăng thực quyền của Quốc hội, cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực của Quốc hội trong thiết chế bộ máy của nhà nước có sự phân công giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Để Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội hoạt động đúng với vai trò, vị thế của mình ngày càng được nâng cao hiệu quả hơn.

Hai, về số lượng đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hôi. Tôi cho rằng hoạt động của đại biểu Quốc hội đang ngày càng được chuyên nghiệp hóa cần có nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách ở cả Trung ương và địa phương để tập trung vào các công việc thường xuyên của Quốc hội cả khi Quốc hội tiến hành kỳ họp và thời gian giữa hai kỳ họp. Do vậy, tôi kiến nghị nâng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là từ 40-45% trong tổng số đại biểu Quốc hội tại Khỏan 1, Điều 41. Đồng thời cần nghiên cứu quy định cơ chế, chính sách hợp lý về tổ chức bộ máy của các cơ quan Quốc hội, kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ đối với đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng.

Ba, về các cơ quan của Quốc hội và Tổng thư kí Quốc hội. Về các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và khối lượng công việc hiện nay được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, tôi đề nghị nâng Ủy ban dân nguyện lên thành Ủy ban dân nguyện của Quốc hội. Ban công tác đại biểu và Viện nghiên cứu lập pháp thành cơ quan thuộc Quốc hội. Về viện nghiên cứu lập pháp, lí do nâng lên bởi Nghị quyết số 48 ngày 25/5/2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng và hòan thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã đề cập phải xây dựng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Nghị quyết 45/2013 của Quốc hội khóa 13 có quy định rõ vai trò của Viện nghiên cứu lập pháp trong quy trình lập pháp. Đó là cơ quan có trách nhiệm giúp đại biểu Quốc hội trong việc tổ chức xây dựng dự thảo, lập hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét và đưa vào chương trình. Đồng thời Quốc hội cũng đã thông qua Luật khoa học và công nghệ tại Điểm a, Khỏan 1, Điều 12 quy định Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Qua 5 năm hoạt động, tôi nhận thấy Viện đã chứng tỏ được vai trò của mình khi hỗ trợ hiệu quả cho công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các tài liệu chuyên đề nghiên cứu do viện cung cấp đã giúp các đại biểu Quốc hội có thêm nguồn thông tin tham khảo hữu ích để đóng góp, hòan thiện các dự thảo luật cũng như phục vụ hoạt động giám sát. Căn cứ vào những điều kiện nêu trên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu nâng Viện nghiên cứu lập pháp lên thành cơ quan thuộc Quốc hội. Tôi đồng tình với đề nghị thay tên gọi Đoàn thư kí thành Đoàn thư kí Quốc hội, thiết lập chức danh Tổng thư kí Quốc hội. Tổng thư kí Quốc hội do Quốc hội bầu và Phó tổng thư kí Quốc hội, các Ủy viên thư kí Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Tổng thư kí. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của đòan thư kí theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức, tham mưu, phục vụ kì họp Quốc hội, Tổng thư kí Quốc hội còn đồng thời là người đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội, điều hành toàn bộ công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Tổng thư ký kiêm người đứng đầu Văn phòng Quốc hội.

Bốn, về đại biểu Quốc hội, nếu xác định hình thức tổ chức hoạt động của đại biểu Quốc hội theo đoàn đại biểu Quốc hội, không hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội thì cũng cần có quy định thể hiện được vị trí, vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, tạo thuận lợi cho đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hoạt động trong thời gian giữa hai kỳ họp. Điều này càng trở nên quan trọng đối với hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương và hoạt động tiếp xúc cử tri khi đưa ra các kiến nghị đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của cử tri ở địa phương. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để xác định đúng vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh và thành phố. Để tăng cường hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, tôi đề nghị mỗi đoàn địa phương ở các tỉnh, thành phố có ít nhất 2-3 đại biểu theo số đại biểu được bầu tại địa phương đó, trong đó Trưởng đoàn phải là đại biểu Quốc hội chuyên trách, tránh tình trạng như hiện nay đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm lại đi phụ trách đại biểu chuyên trách là không khoa học.

Một số vấn đề khác, đề nghị chỉnh lý Điều 29 theo hướng khẳng định kỳ họp Quốc hội là cơ quan cao nhất của Quốc hội cho phù hợp và thể hiện được bản chất của hoạt động Quốc hội.

Về Điều 40 dự thảo luật, theo tôi không nên quy định cụ thể tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong luật này, mà nên quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, có như thế mới linh hoạt về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội ở mỗi một thời kỳ.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng

Các bài viết khác