ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng: Cần xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong việc giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước

31/10/2014

Thứ nhất, tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cũng đồng tình với rất nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi. Tôi xin phát biểu về vấn đề điều hành chính sách vĩ mô và bảo vệ môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng phát biểu ý kiến

Với diễn biến kinh tế nước ta 10 tháng qua, tôi cho rằng có cơ sở để khẳng định rằng nền kinh tế thực sự có xu hướng phục hồi, tuy tốc độ còn chậm, song tăng trưởng quý sau đã cao hơn quý trước và điểm sáng chính là các chỉ số kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định như lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ổn định suốt một thời gian dài, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, mặt bằng lãi suất giảm mạnh và liên tục, sự ổn định và an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Có thể nói Chính phủ đã triển khai hiệu quả các giải pháp tổng lực nhằm ổn định nền kinh tế, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn một cách vững vàng.

Một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào sự thành công này phải kể đến sự quyết liệt của Chính phủ và một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và vai trò của một số tư lệnh ngành cũng thể hiện rõ nét với tinh thần chủ động, tích cực trong việc đề xuất thực thi các giải pháp hỗ trợ thị trường, tăng cường đi cơ sở để nắm sát tình hình, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, không chỉ tập trung giải quyết những vướng mắc trong ngành mình mà có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Nhờ đó các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, mang lại hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực đến các mặt đời sống xã hội trong đó phải kể đến tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng ngành tiêu biểu như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số Bộ trưởng khác.

Tuy nhiên, gần như chính sách hỗ trợ thị trường mà Chính phủ triển khai trong thời gian qua chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ như ưu đãi lãi suất, hàng loạt gói hỗ trợ tín dụng với nhiều lĩnh vực như lĩnh vực nhà ở. Riêng mặt trận nông nghiệp, nông thôn thì từ cà phê, lúa gạo, thủy sản giảm tổn thất sau thu hoạch cho đến chương trình xây dựng liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ. Trái phiếu Chính phủ cũng được các tổ chức tín dụng mua mạnh, song chỉ tăng nguồn, trong khi việc giải ngân còn chậm và chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần rà soát, xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong việc giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ bản, vấn đề sử dụng giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, quy trình để giải ngân phát huy tác dụng nguồn vốn của nhà nước, xem đây là một kênh quan trọng để kích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ hai về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhiều cử tri cho rằng công tác quản lý tài nguyên, môi trường, nhất là khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển, tài nguyên rừng, khai thác đá, cát v.v... Chính phủ cần khảo sát toàn bộ các mỏ quặng trong cả nước để quản lý chặt chẽ, không để các công ty trong nước và nước ngoài khai thác một cách tràn lan, trái phép, buôn lậu khoáng sản trôi nổi, tàn phá mạnh mẽ môi trường như hiện nay mà chúng ta không thu được thuế. Rất nhiều mỏ khai thác ở nhiều nơi như khai thác titan, khoáng sản ở các địa bản gần biển miền Trung và Tây Nguyên thì chúng ta không quản lý được và họ đã trốn thuế.

Đồng thời, trong tình trạng ô nhiễm môi trường cả khu vực thành thị và nông thôn, khu vực công nghiệp có xu hướng tăng lên để lại những hậu quả khôn lường, việc quy hoạch triển khai thực hiện xây dựng các khu xử lý chất thải trong sinh hoạt và chất thải cho công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Hiện mới chỉ có các quận, huyện, thị trấn mới có thu gom chất thải sinh hoạt. Công tác khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường còn chậm, nhiều công ty, đơn vị chưa tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường. Nhiều cử tri cho rằng pháp luật về môi trường đã khá đầy đủ, song vấn đề là thực thi phát luật về mọi trường chưa thực hiện tốt. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp thích hợp. Cần quy định khi cấp phép cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều phải có hệ thống xử lý nước thải cho sinh hoạt và cho xử lý nước công nghiệp. Nhân đây chúng tôi xin kiến nghị mấy vấn đề:

Một, chúng tôi kiến nghị, đề nghị với Chính phủ và Quốc hội sớm cấp kinh phí hỗ trợ việc xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Khi có Pháp lệnh người có công ra đời thì năm 2013 chúng ta đã cấp nhưng năm 2014 vì do khó khăn nên Chính phủ chưa cấp. Hiện nay rất nhiều gia đình đã chủ động vay tiền của ngân hàng để xây dựng nhà, sửa nhà và Chính phủ chưa cấp cho nên các địa phương cũng gặp khó khăn. Đề nghị Chính phủ sớm cấp việc này.

Hai, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội. Tôi đồng tình với đại biểu Phúc và tôi không phân tích vấn đề người về hưu trước năm 1993. Hiện nay họ hết sức khó khăn, bởi vì lúc đó đồng lương rất thấp, 5 năm họ mới tăng lương một lần, bây giờ chúng ta là 3 năm, họ rất thiệt thòi, những người này liêm khiết và họ cống hiến nhiều. Tôi đề nghị có chính sách điều chỉnh việc này cho hợp lý hơn.
Ba, sửa đổi chính sách đối với người cao tuổi. Hiện nay chúng ta biết người cao tuổi, những người hưởng lương hưu sống trên 80 tuổi cũng không được trợ cấp của nhà nước. Tôi cũng đã đi khảo sát một thị trấn, có 65 người đi lính cho Pháp, người Pháp vẫn trả lương, có 45 người sống trên 80 tuổi họ vẫn được hưởng hai chính sách. Một là lương hưu của Pháp, hai là trợ cấp người cao tuổi.

Nhưng cán bộ cách mạng, cán bộ Cụ Hồ, bộ đội Cụ Hồ thì mình lại không được hưởng việc này. Tôi cho rằng việc này là bất hợp lý, tôi đề nghị tất cả những người trên 80 tuổi đều được hưởng, không nên phân biệt. Bởi vì những người đi lính cho Pháp, Pháp vẫn trả lương, họ vẫn được hưởng. Hưởng hai khoản, một là lương hưu của Pháp, hai là trợ cấp người cao tuổi. Ta nên đề nghị cho những người cao tuổi, rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng của mình họ rất tâm tư. Họ bảo đi lính cho Pháp được mà tại sao chúng tôi là lính Cụ Hồ lại không được. Đề nghị phải điều chỉnh chính sách này cho đúng.

Việc tiếp theo là cho địa phương, Đà Lạt có đề nghị chính sách đặc thù. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Đảng sớm quan tâm để cho Đà Lạt có một cơ chế đặc thù để xây dựng phát triển thành phố. Con đường cao tốc thì chúng tôi phát biểu từ khóa XII đến nay vẫn chưa được, rất mong muốn được Đảng, Chính phủ Quốc hội quan tâm sớm cho khởi công con đường cao tốc. Một số các hồ, đập để phục vụ phát triển Tây Nguyên. Trước đây có 3 hồ thì Chính phủ đã cho xây 2 hồ. Hiện nay còn 1 hồ Cát Tiên, đây là vùng sâu và hết sức khó khăn, cho nên đề nghị với Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm quan tâm để cho xây dựng hồ này. Đi tiếp xúc lần nào dân cũng rất kêu nên tôi đề nghị với Chính phủ cần quan tâm cho huyện Cát Tiên xây dựng hồ Đạ Xị. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng