Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng phát biểu ý kiến.
Một, về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư tại Điều 10 và Điều 13.
Thứ nhất, tôi cho rằng phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp tại Điều 10 vẫn còn rộng và chưa thật cụ thể, khó xác định được giới hạn, danh mục ngành, lĩnh vực cần đầu tư lớn, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn những ngành, lĩnh vực mà nhà nước phải đầu tư 100% vốn; những ngành, lĩnh vực nhà nước chỉ tham gia góp vốn, nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối và những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ hai, về phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động, tôi thống nhất với dự thảo là nhà nước chỉ nên đầu tư bổ sung vốn điều lệ áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quy định tại Khoản 1, Điều 10 của luật này. Đối với các doanh nghiệp khác đang hoạt động hiệu quả, theo tôi nhà nước không nhất thiết phải bổ sung vốn nếu doanh nghiệp không yêu cầu, nên cho phép doanh nghiệp chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Làm như vậy, nhà nước có thể dành phần vốn đó để đầu tư vào các dự án, công trình quan trọng khác phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn hẹp, vừa tạo quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Chương III.
Thứ nhất, tại Điều 28, Khoản 2, Điểm d quy định: Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, quy định hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp là mua công trái, trái phiếu. Theo tôi nên bỏ quy định này, vì mục tiêu phát triển công trái, trái phiếu là huy động vốn trong nhân dân, công trái, trái phiếu do nhà nước phát hành, trong khi các doanh nghiệp có vốn nhà nước lại dùng phần vốn nhà nước để đầu tư, để mua công trái, trái phiếu là không hợp lý, không phù hợp với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, Điều 29. Tôi đề nghị một số vấn đề như sau: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nên quy định theo hướng loại hình doanh nghiệp, phạm vi được đầu tư ra nước ngoài, và ngược lại doanh nghiệp nào không được đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, về tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp. Tôi cho rằng, quy định về tiền lương, tiền thưởng, thù lao đối với người quản lý doanh nghiệp như dự thảo luật còn chung chung. Thước đo để xác định tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người quản lý trong doanh nghiệp là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành của từng người quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công ích thì đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh dựa trên những tiêu chí nào. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao đối với người quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm để quy định.
Ba, về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thể hiện tại Chương VII. Giám sát kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở nước ta, đặc biệt, trong bối cảnh nhiệm vụ tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tôi cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo luật về vấn đề này.
Để hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, hoạt động đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp không làm cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn phạm vi, nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thanh tra phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, phải bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời, công khai minh bạch. Xây dựng cơ chế nhằm tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa chủ sở hữu, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, tránh trùng lặp về phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, thanh tra giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời, nghiên cứu luật hóa các quy định dưới luật về hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đã được quy định dưới các văn bản dưới luật và thực tiễn đã được áp dụng, phát huy hiểu quả