Đại biểu Nguyễn Minh Kha- Cần Thơ: Cần có thời gian tham khảo, xem xét áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

01/11/2015

Phát biểu tại Hội trường về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Kha- Cần Thơ nhận định, tinh thần của Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này đã tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ chính trị, cụ thể hóa các nghị định liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 2013 theo hướng nâng tính nhân đạo và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân và tổ chức, đề cao hiệu quả phòng ngừa tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha- Cần Thơ phát biểu tại Hội trường                                                        Ảnh: Đình Nam

Đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được xây dựng công phu, toàn diện và trên cơ sở kế thừa, phát triển và quy định của pháp luật hình sự hiện hành còn phù hợp, giải quyết cơ bản một số vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành, bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Có nhiều quy định mang tính khuyến nghị của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống tội phạm.

Về xem xét quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Kha cho rằng cần có thời gian tham khảo nghiêm túc xem xét quy định, trách nhiệm hình sự của pháp nhân ưu điểm gì, nhược điểm gì, nếu áp dụng ở Việt Nam trong thời điểm này có phù hợp không; cũng như cần phải lường trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Đại biểu Nguyễn Minh Kha phân tích, pháp luật hình sự Việt Nam từ trước đến nay quy định trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng với cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể trách nhiệm hình sự, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời han, bồi thường toàn bộ thiệt hại. Như vậy, từ trước đến nay, áp dụng pháp luật xử lý pháp nhân bằng các biện pháp hành chính, dân sự, cơ bản đảm bảo phòng chống tội phạm hình sự.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha, thực tế việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác phòng, chống tội phạm pháp nhân trong thời gian qua hiệu quả chưa cao không phải do nguyên nhân quy định của pháp luật, cơ sở trách nhiệm pháp lý của luật hình sự mà do hoạt động thi hành áp dụng pháp nhân chưa nghiêm. Để khắc phục tình trạng này vấn đề quan trọng ở chỗ phải tăng cường hiệu quả công tác thi hành án áp dụng biện pháp hình sự.

Trong khi đó, nếu quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) thì theo đại biểu còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, theo quy định của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), việc duy trì trách nhiệm hình sự pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân, như vậy pháp nhân và cá nhân có thể phải cùng chịu trách nhiệm hình sự về cùng một hành vi, cùng một tội phạm trong một vụ án. Vấn đề đặt ra, nếu quy định như vậy thì phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm hình sự như thế nào; tòa án phán quyết ra sao? Đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề này.

Hơn nữa, việc xử lý bằng biện pháp hình sự trải qua nhiều biện pháp trong đó tố tụng phức tạp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều vần đề hoạt động của pháp nhân doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế. Trong khi đó, thời gian xử lý bằng biện pháp hiện hành như hành chính với thủ tục nhanh gọn sẽ không ảnh hưởng đến nhiều hoạt động pháp nhân doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế.

Bảo Yến lược ghi